Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 04/05/2024 | 04:20 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Chung tay tiết kiệm để không thiếu điện

22/04/2024
Cuối tuần qua, Thường trực Chính phủ có cuộc họp về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và đặc biệt trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Để đạt được điều này, bên cạnh nỗ lực của ngành điện, đòi hỏi người dân và doanh nghiệp phải chung tay tiết kiệm điện.
Chung tay tiết kiệm để không thiếu điện
Nhu cầu sử dụng điện của cả nước năm 2024 được dự báo tăng trưởng khoảng 9,6%. Tuy nhiên, thực tế các tháng đầu năm nay, nhu cầu sử dụng điện của cả nước và miền Bắc tăng 10 - 11%, tức là cao hơn so với dự báo. Nguyên nhân do sản xuất, kinh doanh đang phục hồi và nắng nóng kéo dài ở các tỉnh miền Nam. Đặc biệt, trong mùa khô sắp tới (tháng 5 đến tháng 7), nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa, lên đến 13%; riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023 và phụ tải tháng 6 có thể đạt khoảng 2.500MW.
“Để dễ hình dung, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc khoảng 25.000MW, 10%/năm nghĩa là 2.500MW, như vậy mỗi năm cần thêm một nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành mới đáp ứng được”, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nói trong một tọa đàm về chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện do báo VietNamNet tổ chức mới đây.
Trên thực tế, từ cuối năm 2023, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh năm 2024. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã phê duyệt riêng kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4 - 7.2024); giám sát chặt tình hình cung cấp nhiên liệu than, khí cho phát điện; tổ chức các đoàn công tác rà soát việc chuẩn bị cung ứng điện mùa khô tại các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện; thúc đẩy tiến độ công trình đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối để kịp phục vụ cung ứng điện vào tháng cao điểm.
Tại cuộc họp cuối tuần trước, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực dầu, khí, than đã cam kết bảo đảm cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện. Thủ tướng cũng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp với từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động hơn của các đơn vị liên quan và những bài học kinh nghiệm rút ra từ sau sự cố thiếu điện năm 2023, cung ứng điện năm nay nhiều khả năng sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, để củng cố khả năng này, rất cần doanh nghiệp và người dân chung tay tiết kiệm điện, bởi các kịch bản rủi ro về nguồn cung và truyền tải có thể xảy đến rất bất ngờ.
Theo số liệu năm 2020, để tạo ra 1.000 USD GDP, Việt Nam cần tới 1.049kWh điện, trong khi tại thời điểm năm 2017, Trung Quốc chỉ cần 632kWh, Malaysia cần 415kWh, Thái Lan cần 475kWh. Như vậy, nước ta còn nhiều dư địa để tiết kiệm điện.
Có nhiều cách để tiết kiệm điệm, tùy vào từng đối tượng. Với người dân, trong những tháng cao điểm, cần sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý, bởi thiết bị này chiếm tới 50 - 70% tổng nhu cầu điện năng sử dụng trong hộ gia đình. Với các đơn vị vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời, việc cần làm là dùng đèn tiết kiệm điện, điều khiển tự động, dùng năng lượng mặt trời; chiếu sáng theo khung thời gian. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư… nên tắt hoặc giảm hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào buổi tối hoặc phát động tiết kiệm điện trong cao điểm hè.
Về phía các doanh nghiệp có thể tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) do ngành điện triển khai nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. Tuy nhiên, khi chuyển sang sản xuất vào ban đêm, doanh nghiệp sẽ bị tăng chi phí sản xuất (ví dụ nhân công, ca kíp, chi phí làm thêm giờ...). Do đó rất cần sự chia sẻ và hỗ trợ về mặt tài chính của ngành điện để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151