Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 19/04/2024 | 06:06 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Chức năng nhiệm vụ

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Điều tiết điện lực được quy định tại Quyết định số 2630/QĐ-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương.
Chi tiết Quyết định 2630/QĐ-BCT xem TẠI ĐÂY.
​I. Chức năng chính:
Cục Điều tiết điện lực là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn:

Cục Điều tiết điện lực thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Trình Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền ban hành:
a) Dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết hoạt động điện lực theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
b) Quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
c) Chương trình phát triển lưới điện thông minh và Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện để đảm bảo cân bằng cung cầu về điện, nâng cao độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện;
d) Lộ trình phát triển thị trường điện lực; Đề án tái cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực; Danh mục các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh;
đ) Chủ trương, cơ chế mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia từ cấp điện áp 220kV trở lên;
e) Quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực;
g) Quy định các hành vi vi phạm và hình thức xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về điều tiết hoạt động điện lực và sử dụng điện.
2. Trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt hoặc ban hành theo thẩm quyền:
a) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết hoạt động điện lực theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
b) Quy định trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực;
c) Quy định về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện;
d) Đề án thiết kế thị trường điện các cấp độ;
đ) Các quy định về hoạt động của hệ thống điện và thị trường điện lực, bao gồm: Quy định vận hành thị trường điện; quy định hệ thống truyền tải điện; quy định hệ thống phân phối điện; quy định đo đếm điện năng; quy định áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu và các quy định khác;
e) Quy định phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực, các loại giá và phí trong hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật;
g) Quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện;
h) Các quy định, cơ chế phát triển Lưới điện Thông minh; hướng dẫn thực hiện chương trình Quản lý nhu cầu điện và cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia các chương trình Quản lý nhu cầu điện;
i) Chủ trương mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia có cấp điện áp dưới 220kV.
3. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình và các quy định về điều tiết hoạt động điện lực sau khi được phê duyệt.
4. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về điều tiết hoạt động điện lực và các văn bản cá biệt theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện các nhiệm vụ về điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực, bao gồm:
a) Thẩm định, cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực;
b) Tổ chức thẩm định các loại giá và phí hoạt động điện lực, bao gồm: Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá các dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường, các loại giá và phí khác;
c) Kiểm tra hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện, hợp đồng dịch vụ phụ trợ giữa đơn vị phát điện và đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hợp đồng mua bán buôn điện có thời hạn trên thị trường bán buôn điện, hợp đồng mua buôn điện có thời hạn của Tổng công ty điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
d) Kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, kiểm tra việc thực hiện điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị điện lực; thực hiện việc công khai minh bạch giá điện;
đ) Thẩm định kế hoạch vận hành hệ thống điện hàng năm; kiểm tra, giám sát tình hình cung cấp điện và điều hành hệ thống điện để đảm bảo cân bằng cung - cầu điện;
e) Ban hành kế hoạch vận hành thị trường điện hàng năm; giám sát vận hành thị trường điện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành thị trường điện lực;
g) Đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện (Demand-Side Management - DSM) và phát triển lưới điện thông minh;
h) Kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền vi phạm về điều tiết hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
6. Thanh tra chuyên ngành về các nội dung thuộc chức năng điều tiết hoạt động điện lực theo quy định.
7. Tham gia xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
8. Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện truyền thông các chính sách, chủ trương mới phục vụ phát triển thị trường điện lực cạnh tranh, các hoạt động điều tiết điện lực, các chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện và lưới điện thông minh.
9. Thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; hợp nhất, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết hoạt động điện lực.
10. Hợp tác quốc tế về điều tiết hoạt động điện lực và phát triển thị trường điện lực, các hoạt động liên quan tới liên kết lưới điện khu vực và phát triển thị trường điện lực các nước trong khu vực và trên thế giới.
11. Quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các dự án tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, các dự án hợp tác với chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ về điều tiết hoạt động điện lực và phát triển thị trường điện theo quy định của pháp luật.
12. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ về điều tiết hoạt động điện lực.
13. Tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của hoạt động điều tiết điện lực và vận hành thị trường ở các cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
14. Sử dụng ngân sách nhà nước được cấp và các phí khác theo quy định của pháp luật.
15. Được yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; được sử dụng tư vấn trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.
16. Tham mưu quản lý nhà nước và theo dõi hoạt động của các Hội, Hiệp hội ngành nghề hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
17. Thực hiện cải cách hành chính về điều tiết hoạt động điện lực theo kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Công Thương.
18. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Công Thương.
19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC
  • Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Electricity Regulatory Authority of Viet Nam (ERAV)
  • Trụ sở: D10 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.22147474                                       Fax: 024.35543008 
  • Websitehttp://erav.vn/           
  • 0
  • 0