Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 03/05/2024 | 14:13 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Dấu ấn 20 năm thực thi Luật Điện lực - Bài 2: Vai trò và thành quả ngành điện

20/04/2024
Luật Điện lực 2004 và 2 lần sửa đổi đã tạo khuôn khổ pháp lý để ngành điện Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vươn lên tóp đầu khu vực.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương và các chuyên gia, các chế định pháp luật quy định tại Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn được ban hành kịp thời, đảm bảo tiến độ, tạo lập được một hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực điện lực đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và chuẩn mực quốc tế; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư trong ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng nhằm đáp ứng tình hình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần đưa Luật Điện lực và các Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực vào cuộc sống, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong áp dụng pháp luật trên thực tế.
Ảnh minh họa
Qua gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện vai trò lớn trong phát triển ngành điện lực Việt Nam.
Cụ thể, đã góp phần phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia;
Xây dựng và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực;
Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực và sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái;
Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện;
Rút ngắn thời gian thực hiện tiếp cận điện năng, giảm thành phần hồ sơ và ứng dụng công nghệ trong hoạt động điện lực đem lại hiệu quả cao trong đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế - xã hội và của nhân dân;
Đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực, thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về điện lực.
Xây dựng hệ thống điện vững mạnh
Có thể nói, Luật Điện lực đã tạo cơ sở pháp lý, chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển điện lực. Trong đó có vấn đề xây dựng, thực hiện các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (3 quy hoạch 6-7-8), quy hoạch phát triển điện lực tại 63 địa phương; quy hoạch vùng; Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam…
Đánh giá thực hiện các Chiến lược này cho thấy, đến nay ngành điện đã đạt được đại đa số các mục tiêu như: hầu hết các chỉ tiêu về sản lượng điện, tỷ lệ cấp điện nông thôn, khối lượng xây dựng nguồn điện và lưới điện đều đạt và vượt yêu cầu; thị trường điện lực cạnh tranh đã được hình thành và đang dần hoàn thiện để chuẩn bị bước sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; về khoa học công nghệ đã đạt được một số thành tựu về áp dụng các công nghệ tiên tiến hiệu suất cao với nguồn điện; cơ khí điện lực đã sản xuất được máy biến áp tới cấp 500 kV, ứng dụng bê tông đầm lăn trong xây dựng nhiều đập thủy điện lớn; đội ngũ tư vấn, xây lắp điện đã đảm nhận được nhiều công trình quan trọng; các hoạt động giảm nhẹ tác động ô nhiễm môi trường ngày càng được chú trọng.
Về nguồn điện: Nếu như năm 2004, công suất nguồn điện cả nước mới chỉ đạt 11.280 MW, thì đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW. Trong đó, miền Bắc 25.121 MW (36,2% tổng công suất), miền Trung 12.232 MW (17,8%), miền Nam 31.898 MW (46%). Tổng công suất thủy điện là 20.993 MW (30,3% công suất, 29,6% sản lượng); nhiệt điện than 21.383 MW (30,8%, công suất, 50% sản lượng); tua bin khí 9.025 MW (13,1%, công suất, 14,6% sản lượng); điện gió 538 MW (0,8% công suất, 0,4% sản lượng), điện mặt trời 16.506 MW (23,8% công suất, 3,7% sản lượng), nguồn khác 325 MW (0,4% công suất, 0,5% sản lượng, nhập khẩu 572 MW (0,8% công suất, 1,2% sản lượng). Hệ thống điện Việt Nam có quy mô đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới.
Năm 2023, hệ thống điện Việt Nam đã đạt xấp xỉ 80.000 MW với nhiều loại hình, chủ sở hữu đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Tốc độ tăng trưởng công suất đặt nguồn điện trung bình hàng năm cả giai đoạn 2005 - 2020 là 11,9%/năm, trong đó giai đoạn 2005 - 2010 là 13,2%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 13%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 9,6%/năm. Điện sản xuất (cả nhập khẩu) tính đến cuối năm 2020 đạt 245,9 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện sản xuất tính cả nhập khẩu trung bình hàng năm giai đoạn 2005 - 2020 là 10,9%/năm, trong đó giai đoạn 2005 - 2010 là 14%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 10,2%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 8,6%/năm. Từ năm 2015 tới nay, tổng công suất nguồn điện Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.
Về lưới điện, đến cuối năm 2020, cả nước có 8.527 km đường dây 500 kV, 18.477 km đường dây 220 kV, 37 trạm biến áp 500 kV, tổng dung lượng 42.900 MVA, 136 trạm biến áp 220 kV, tổng dung lượng 67.824 MVA. Ngoài ra, có 866 trạm biến áp, 24.318 km đường dây 110 kV, 360.000 km lưới điện trung áp, 350.000 km lưới điện hạ áp, đảm bảo cung ứng điện cho 28,94 triệu khách hàng, 100% số xã, 99,47% số hộ dân (99,18% số hộ dân nông thôn).
Lưới điện 220kV, 110kV và lưới trung thế đã phát triển vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố, góp phần tăng tỷ lệ điện khí hóa nông thôn. Năm 2005: tỷ lệ quận, huyện có điện lưới là 98%, phường, xã cả nước có điện lưới là 96,55% và số hộ dân nông thôn có điện đạt 90,65%; năm 2010: tỷ lệ quận, huyện có điện lưới là 100%, số hộ của cả nước có điện lưới là 97,31% và số hộ dân nông thôn có điện đạt 96,29%; tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ 100% phường, xã cả nước có điện lưới và 99,54% số hộ của cả nước có điện lưới, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt mức 99,3%.
Thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo có bước chuyển rõ rệt
Thành quả trong thu hút đầu tư
Với phương châm phát triển ngành điện và thị trường điện cạnh tranh lành mạnh, công tác thu hút đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, kinh doanh dịch vụ điện đã có có bước chuyển tích cực.
Nếu như trước 2004, nguồn điện chỉ tập trung vào loại hình truyền thống thì đến nay đã mở rộng khá đa dạng; Việc đầu tư vào ngành điện chủ yếu là do Tập đoàn điện lực Việt Nam và các tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện thì đến nay đã các nhà đầu tư tư nhân, liên doanh triển khai thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện theo hình thức nhà máy điện độc lập (IPP) và các dự án nguồn điện theo hình thức Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT); hay đầu tư mới nguồn điện năng lượng tái tạo.
Tính đến năm 2021, EVN sở hữu, quản lý, vận hành khoảng 57% tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống (nếu tính cả các nguồn điện do EVN nắm giữ cổ phần chi phối thì lên tới khoảng 67% tổng công suất đặt toàn hệ thống); các nhà đầu tư nước ngoài (BOT) và các nhà đầu tư tư nhân trong nước khác (IPP) chỉ sở hữu, quản lý, vận hành khoảng 9% tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống; phần còn lại do các Tổng công ty/Tập đoàn nhà nước (như PVN; TKV…) sở hữu, quản lý, vận hành.
Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2005 - 2015 chỉ khoảng 50 MW - 70 MW và chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng 0,3%-0,4% tổng công suất nguồn trong hệ thống. Thì đến hết năm 2020, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, đạt 9.715 MW, chiếm tỷ trọng 15,5% công suất nguồn của toàn hệ thống điện Việt Nam, chưa tính đến 7.755 MW điện mặt trời mái nhà, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu, cam kết quốc tế về giảm phát thải của Việt Nam và thế giới.
Tương tự đối với lưới điện, trước đây cũng do EVN đầu tư, nhưng đến nay đã có nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào lưới điện phục vụ truyền tải điện dự án năng lượng tái tạo (Trung Nam) hay phục vụ công tác bán lẻ tại các khu công nghiệp. Nhiều khách hàng công nghiệp lớn cũng tự đầu tư phần lưới điện trong ranh giới đất được sử dụng và thỏa thuận mua, bán điện với EVN ở cấp điện áp 110 kV hoặc cấp trung áp (theo ranh giới đầu tư)….
Bên cạnh đó là các thành tựu trong việc phát triển năng lượng tái tạo; Tạo lập cơ sở pháp lý từng bước xây dựng và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh các cấp độ (phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh); Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả; Xây dựng giá điện minh bạch cho từng khâu trong dây chuyền sản xuất và kinh doanh điện; Quản lý, vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng điện năng và xây dựng các quy định về mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện, bảo đảm bình đẳng giữa hai bên mua bán điện, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện; Triển khai hoạt động cấp Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý an toàn hồ đập, an toàn điện…
Còn tiếp...
Theo Báo Công Thương  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151