Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 30/04/2024 | 02:52 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Trả tiền điện '2 thành phần', người dùng phải trả tăng hay giảm?

13/04/2024
Việc áp dụng biểu giá điện hai thành phần được cho là mang lại nhiều lợi ích. Nhưng liệu người dùng có phải trả tiền điện cao hơn khi tính giá 'hai thành phần'?

Giá điện hai thành phần sẽ khiến cho tiền điện tăng thêm hay giảm đi? - Ảnh: EVN
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần (theo giá công suất và điện năng) trong năm nay. Việc này cũng đã được Bộ Công Thương giao EVN vào hồi đầu năm, nghiên cứu xây dựng cơ chế, lộ trình áp dụng và đối tượng khách hàng sử dụng điện. 
Biểu giá một thành phần nhiều bất cập 
Hiện giá bán lẻ điện bình quân đang được quy định theo quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, nếu như hộ sinh hoạt sẽ áp dụng theo cơ cấu biểu giá bậc thang thì các hộ tiêu dùng điện khác gồm sản xuất, dịch vụ, hành chính sự nghiệp… sẽ áp dụng theo cơ cấu biểu giá theo giờ bình thường, thấp điểm, cao điểm và cấp điện áp.
Đây là biểu giá điện một thành phần (áp dụng cho điện năng sử dụng). Theo các chuyên gia, biểu giá này có ưu điểm là đơn giản, nhưng lại không phản ánh đúng chi phí mà người sử dụng điện gây ra cho hệ thống. Vì vậy, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, gây rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.
Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vì thế không phản ánh được đầy đủ tình hình sản xuất và tiêu dùng điện hiện nay. 
Chưa kể, khung giờ cao thấp điểm hiện đã thay đổi hoàn toàn so với khung được quy định tại quyết định 28. 
Cơ cấu biểu giá điện bậc thang dành cho sinh hoạt cũng không phản ánh được các chi phí và chưa thực sự công bằng cho các hộ tiêu dùng điện.
Do đó, việc nghiên cứu áp dụng giá điện hai thành phần được xem là bắt buộc, khi Việt Nam là một trong số ít các nước chưa có giá điện hai thành phần. Bởi điện là hàng hóa đặc thù. Quá trình cung cấp điện bao giờ cũng gồm hai thành phần: công suất đăng ký và điện năng tiêu dùng.
Theo cơ chế đang được nghiên cứu, việc thực hiện thí điểm giá điện hai thành phần trước hết sẽ dựa trên hệ thống công tơ điện tử đã được thiết lập với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Đây là những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU.
Giá hai thành phần để tránh lãng phí, tính sát chi phí 
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay khi giá điện được tính theo công suất và điện năng, khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng (đơn vị tính là kWh), nhưng có hệ số phụ tải (nhu cầu sử dụng điện thực tế với công suất định mức) thấp, thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao. 
Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và thu hồi chi phí đầu tư với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng điện ít hơn. 
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Huy Hoạch - chuyên gia Hội đồng khoa học năng lượng Việt Nam - lấy ví dụ với một hộ sản xuất thép hoặc một nhà máy chế biến thủy sản, cần có nhu cầu công suất rất lớn, khoảng 1.000kW. Như vậy, ngành điện sẽ phải lập trạm biến áp, đường dây, quản lý vận hành... cung ứng đủ nhu cầu là 1.000kW. 
Trong trường hợp những nhà máy này cắt giảm sản xuất, sản lượng điện tiêu thụ giảm thì sẽ chỉ phải trả tiền điện dựa trên số kWh điện sử dụng thực tế. Tuy nhiên, ngành điện lại phải chịu lỗ các chi phí vận hành, quản lý, đầu tư do dư thừa công suất. 
Việc áp dụng giá điện hai thành phần để đảm bảo dù không sử dụng hết công suất đã đăng ký, đơn vị sử dụng điện vẫn phải chi trả các chi phí này.  
Do đó, ông Hoạch cho rằng chưa thể đánh giá chính xác việc áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần này sẽ khiến cho giá điện thực tế phải chi trả tăng hay giảm. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng là việc cấp điện sẽ luôn ổn định, nguồn điện được phát triển đúng với nhu cầu thực tế sử dụng. 
Tương tự với hộ sinh hoạt, nếu áp dụng cơ chế này, tiền điện cũng sẽ được tính toán khác nhau. Ví dụ, hai hộ tiêu dùng điện cùng tiêu thụ sản lượng 20 kWh/ngày, nhưng nếu đăng ký công suất khác nhau thì chi phí tiêu thụ điện sẽ khác nhau. Đây là điểm khác biệt, thay vì phải trả một hóa đơn giống nhau như hiện nay. 
"Người sử dụng công suất như nhau nhưng thời gian sử dụng điện 24/24 giờ sẽ có mức giá khác với người chỉ sử dụng điện từ 3-5 giờ, thì hai giá sẽ khác nhau. Vì vậy khi đưa giá công suất vào, buộc khách hàng sử dụng điện cân nhắc đăng ký mức công suất tiêu thụ cho phù hợp. Việc này tránh tình trạng hiện nay là lắp đặt công suất lớn nhưng thực tế sử dụng điện không theo kịp sẽ khiến ngành điện lỗ và lãng phí đầu tư" - ông Hoạch nói. 
Theo Báo Tuổi trẻ  

Cùng chuyên mục

Làm gì để không tăng tiền điện mùa nắng nóng?

29/04/2024

Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Hầu như những thiết bị làm mát trong nhà như: quạt, điều hòa, tủ lạnh... đều phải hoạt động với công suất tối đa nên lượng điện tiêu thụ tăng cao, chi phí tiền điện cũng tăng cao, thậm chí tăng rất cao vào kỳ hóa đơn tiền điện các tháng 4, 5, 6 hàng năm. Do đó, ngành điện thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Tiết kiệm điện không phải là không sử dụng mà là sử dụng điện một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151