PGS-TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế. Sau một thời gian dài trì hoãn nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, giá bán lẻ điện bình quân mới tăng thêm 3%. Theo ông, sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg có tiếp tục tăng giá bán lẻ điện hay không?
Nghị quyết 124/NQ-CP (ngày 7/8/2023) yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý, dịch vụ công đang triển khai lộ trình giá thị trường. Các cơ quan hữu quan phải đánh giá kỹ tác động, chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Như vậy, các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, quản lý giá sẽ điều chỉnh, điện không phải là ngoại lệ.
Điện là mặt hàng có tính đặc thù, là hàng hóa thiết yếu, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam chưa hình thành thị trường điện cạnh tranh như các nước phát triển nên điện là ngành độc quyền, giá do Nhà nước quy định và có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng đã theo cơ chế thị trường thì phải tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ thường nói: “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Nhưng thưa ông, giá bán lẻ điện mới tăng thêm 3% kể từ ngày 4/5/2023?
Theo quy định, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh 6 tháng/lần, căn cứ vào kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hàng năm. Nếu giá đầu vào tăng thì tăng giá điện và ngược lại.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến nay, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh 3 lần vào ngày 1/12/2017, ngày 20/3/2019, mới đây nhất là ngày 4/5/2023. Như vậy là 2 năm điều chỉnh một lần, chứ không phải 6 tháng như quy định, trong khi từ đó đến nay, đầu vào cho sản xuất, truyền tải điện tăng không ngừng.
Có nghĩa, ông đồng ý với việc tiếp tục tăng giá bán lẻ điện?
Nghị quyết 124/NQ-CP cũng như các chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg để bảo đảm giá bán lẻ điện phản ánh đúng giá thị trường, ngành điện phải có lợi nhuận, vì nếu không có lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển nguồn điện, nâng cao chất lượng điện thì sẽ tác động vô cùng lớn đến hoạt động sản xuất, môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vài tháng nay có mưa nên sản lượng thủy điện tăng trở lại, người dân không còn chịu khổ vì bị cắt điện luân phiên, thậm chí bị cắt điện không báo trước, doanh nghiệp không còn nơm nớp lo sợ bị mất điện, còn trước đó, rất nhiều người dân và doanh nghiệp đã “lãnh đủ” khi bị mất điện.
Thu nhập của người dân hiện mới trở về bằng năm 2019, tức là trước thời điểm Covid-19 xảy ra. Giá điện mới tăng, giá nước sạch cũng vừa tăng khá mạnh, người dân chưa muốn tăng giá điện, thưa ông?
Không ai muốn tăng giá điện, tôi cũng vậy. Nhưng nếu lựa chọn giữa việc trả giá điện hợp lý, có đủ điện để sử dụng, với việc giá điện rẻ đi kèm với mất điện, thiếu điện, chất lượng điện thấp, tôi cho rằng, người tiêu dùng sẽ lựa chọn trả giá điện hợp lý. Vấn đề là mọi chi phí đầu tư, sản xuất, phân phối điện phải minh bạch, được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán có uy tín và phải được kiểm tra, giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Năm 2022, do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, mặc dù EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại để giảm chi phí, song trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 chưa được điều chỉnh kịp thời, nên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN lỗ khoảng 26.463 tỷ đồng.
Giá điện mới tăng 3% thì bao giờ EVN mới đủ bù đắp khoản lỗ trên, bao giờ mới có nguồn để đầu tư vào hệ thống điện, từ khâu phát điện đến mạng lưới truyền tải, phân phối. Hơn nữa, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với thế giới, chứ không phải quá cao như mọi người nghĩ. Còn trong khu vực ASEAN, giá bán lẻ điện của Việt Nam chỉ đắt hơn Lào - quốc gia có giá điện thấp nhất khu vực do sử dụng 70% điện năng sản xuất từ thủy điện giá rẻ.
Đúng là giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, nhưng thưa ông, thu nhập của người dân Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với những nước mà người dân trả giá điện cao?
Việt Nam có lợi thế là hệ thống thủy điện, nhưng đã khai thác tối đa nên tỷ trọng thủy điện trong tổng sản lượng điện giảm dần. Để chạy các nhà máy nhiệt điện thì phải nhập khẩu nhiên liệu như than, gas, xăng dầu. Khi đi mua nguyên liệu của nước ngoài, không ai bán rẻ cho chúng ta. Còn muốn phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... thì phải có mức giá hợp lý thì nhà đầu tư mới tham gia.
Cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt bán cho người dân cao hơn giá điện sản xuất bán cho doanh nghiệp. Giá điện chưa hợp lý một mặt khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối, không thu hút được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện, mặt khác không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.
Theo Báo Đầu tư