Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 08/10/2024 | 18:26 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Giá khí đốt tăng cao có thể báo trước khủng hoảng năng lượng vào mùa đông ở châu Âu

23/08/2023
Giá khí đốt ở châu Âu vẫn đang ở mức cao lịch sử mặc dù nhu cầu thấp và các kho dự trữ đạt gần hết công suất. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về giá khí đốt có thể tăng trong thời gian mùa đông sắp tới.
Kho lưu trữ khí thiên nhiên hóa lỏng. Ảnh: Euractiv
Những lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu được quan tâm đặc biệt vào tuần trước khi giá khí đốt đột nhiên tăng vọt 40% sau các cuộc đình công xảy ra tại các cơ sở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Australia, gây lo ngại lan ra thị trường năng lượng toàn cầu.
Đầu tuần này, giá khí đốt ở châu Âu ở mức dưới 37 euro cho mỗi megawatt giờ (MWh) tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan. Tuy con số này thấp hơn đáng kể so với mức giá cao nhất 340 euro mỗi MWh vào tháng 8-2022, nhưng vẫn cao gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2019.
Các chuyên gia đặc biệt lo ngại rằng một mùa đông khắc nghiệt bất thường có thể khiến giá tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba vào cuối năm nay, mặc dù các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu hiện đang ở mức 90% công suất.
Florence Carlot, nhà phân tích thị trường năng lượng tại công ty tư vấn Arthur D. Little có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Với nhu cầu thấp và dự trữ đầy đủ, tình hình sẽ tốt khi chúng ta đến gần mùa đông. Nhưng chúng ta không tránh khỏi mùa đông lạnh giá sẽ lại gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khí đốt”.
Bà Florence Carlot cho biết thêm: “Sự kết hợp của các yếu tố làm gián đoạn nguồn cung như đình công ở Australia hay Nga cắt giảm xuất khẩu năng lượng, cùng với việc nhiệt độ xuống thấp có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ trên thị trường năng lượng”.
Các chuyên gia lưu ý thêm rằng, ngoài giá cao và khả năng thiếu hụt nguồn cung, biến động giá khí đốt có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường năng lượng châu Âu. Có thể nói, sự bất ổn về giá khí đốt là hậu quả trực tiếp của quyết định đa dạng hóa nguồn cung của EU sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Ủy ban châu Âu cho biết, kể từ tháng 3, xuất khẩu khí đốt LNG sang châu Âu đã tăng 75% so cùng kỳ năm ngoái, phần lớn đến từ Mỹ, sau khi các nước EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 7 cho biết: “Xuất khẩu LNG từ Hoa Kỳ sang Liên minh châu Âu đã tăng gần gấp ba lần”.
Nhà phân tích Tom Marzec-Manser, thuộc công ty tư vấn năng lượng ICIS nói với tờ Thời báo Tài chính (FT) rằng: “Khả năng đình công tại các cơ sở LNG ở Australia một lần nữa xuất hiện thực tế rằng chúng ta hiện đang ở trong một thị trường khí đốt toàn cầu hóa. Có thể hiểu được rằng châu Âu đã lấp đầy nguồn cung từ LNG thay đường ống của Nga là linh hoạt. Nhưng tính linh hoạt đó dẫn đến sự biến động về giá khí đốt gia tăng”.
Các chuyên gia phân tích khác cho rằng, tương lai an ninh năng lượng của châu Âu phụ thuộc vào mức độ khắc nghiệt của mùa đông sắp đến. Chuyên gia Callum Macpherson, thuộc Công ty Investec, một công ty dịch vụ tài chính, nói: “Ngay cả khi các kho chứa khí đốt đã dự trữ đầy, điều đó không có nghĩa là mọi thứ vẫn ổn. Chúng ta sắp có một mùa đông, điều mà lúc này chúng ta chưa biết sẽ như thế nào”.
Theo Báo Nhân dân 
  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151