Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 16/09/2024 | 18:37 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Bộ Công Thương: Cơ chế mua bán điện trực tiếp phải được làm khẩn trương, áp dụng ngay

12/04/2024
Chiều ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) tại Hà Nội.
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan; các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ năm 2019 có tham khảo tư vấn trong và ngoài nước với nhiều nội dung quan trọng. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng Nghị định và giao cho Bộ Công Thương triển khai.

Bộ trường Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.
Trên cơ sở thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Đề cương Nghị định được Bộ Công Thương xây dựng, Bộ trưởng đề nghị các thành viên cho ý kiến đóng góp chi tiết làm cơ sở cho Thường trực Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ cuối tháng 4.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực đã công bố quyết định thành lập cũng như các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định của Chính phủ về DPPA; Đề cương dự thảo Nghị định của Chính phủ về DPPA.
Ban soạn thảo có 20 thành viên, gồm: Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Trưởng ban.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nêu ý kiến đóng góp về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; xác định giá/chi phí các khâu dịch vụ; hợp đồng giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện...
Cụ thể, góp ý cho nội dung về Đề cương dự thảo Nghị định, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, việc xây dựng Nghị định này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết 2 vấn đề là tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện cũng như có phương án tài chính qua cơ chế giao ngay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại cuộc họp.
VCCI cũng nhất trí về phương án Bộ Công Thương đề xuất nhưng về thủ tục hành chính cần lưu ý để làm sao cho rõ ràng, dễ thực hiện. Đặc biệt, cần quy định về quy trình thủ tục, quyền và trách nhiệm các bên cần nêu rõ trong Nghị định. Bộ cũng nên lấy ý kiến rộng rãi hơn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng. Sau đó, có thể tổ chức hội thảo hoặc gặp gỡ trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp, đối tượng quan tâm.
Đóng góp thêm ý kiến trong phần thảo luận, ông Trần Việt Hòa cho biết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tập trung làm rõ những câu hỏi như thế nào và tại sao? Tuy nhiên, khi thực hiện DPPA không thể tách rời các cơ chế phát triển điện lực, giá điện, trong đó có giá truyền tải tại Việt Nam; phù hợp với các quy định khác như quy hoạch, đầu tư... của Việt Nam.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ phó Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thì cho rằng, cần xem xét mở rộng đối tượng tham gia trong Nghị định thay vì chỉ có nhà máy điện gió, mặt trời mà còn dạng năng lượng khác.
Về đối tượng khách hàng, trong dự thảo chỉ nói là khách hàng sản xuất, do đó cũng cần mở rộng thêm vì có những khách hàng không phải sản xuất cũng muốn tham gia cơ chế...
Sau khi nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo. Đồng thời nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng, đây là vấn đề rất cần kíp với Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài, bởi lẽ, nếu không có cơ chế khuyến khích như thế này thì việc đầu tư nguồn cũng sẽ chậm lại so với tiến độ. Vì thế, việc bảo đảm an ninh năng lượng điện cho đất nước trong thời gian tới.
“Tinh thần là phải làm khẩn trương. Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm theo cơ chế rút gọn nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Rút ngắn về thời gian, đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Đối với Nghị định này, cần phải thiết kế theo hướng dùng được ngay, chứ không theo dạng nghị định khung, nghị định ống.
Đồng thời, các chính sách sẽ được xoay quanh 4 vấn đề cụ thể: Một là về cơ chế giá, kể cả giá truyền tải, giá sản xuất, giá phân phối... thông qua cơ chế giá để chúng ta điều tiết; Thứ hai là, thông qua các thủ tục hành chính để giải quyết các vấn đề phát sinh; Thứ ba là về đối tượng mua, có thể mở rộng thêm các đối tượng chứ không chỉ đơn vị sản xuất mà các loại hình khác nếu có nhu cầu; Thứ tư, đối với đối tượng bán thì cần cân nhắc. Chúng ta khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; khuyến khích các nhà sản xuất nguồn điện sạch bao gồm nắng, gió, sinh khối thủy điện, kể cả thủy điện nhỏ đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh, sạch... Xanh, sạch không chỉ ở các nhà đầu tư nước ngoài mà xanh, sạch ngay cả với những nhà sản xuất, nhà đầu tư Việt Nam. Các nhà sản xuất trong nước cũng cần phải sản xuất theo hướng xanh, sạch để tiếp cận thị trường thế giới; Thứ năm, về công suất cũng nên xem xét mở theo hướng không giới hạn, nhưng cần xem xét làm sao thuận lợi cho vấn đề truyền tải.
Toàn cảnh cuộc họp về xây dựng Nghị định mua bán điện trực tiếp.
“Không giới hạn về công suất nhưng phải giới hạn về loại hình điện năng, đó là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tạo thuận lợi cho các bên”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh và yêu cầu tính đến cơ chế giá cho những trường hợp mua bán điện thông qua hệ thống điện quốc gia.
Về thời gian, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị ngay sau cuộc họp này, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu và thể hiện quan điểm của mình, góp ý trực tiếp vào bản sơ thảo chính sách, kể cả từ đối tượng, phạm vi cho đến cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện...
“Muộn nhất là ngày 12/4, các đại biểu gửi ý kiến đóng góp về cho Cục Điều tiết Điện lực. Từ ngày 12-15/4, Cục Điều tiết Điện lực sẽ tập trung hoàn thiện”, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo và đề nghị, các thành viên của Ban biên tập và Tổ soạn thảo phải khẩn trương hoàn thành để muộn nhất vào ngày 15/4/2024 sẽ đăng tải bản dự thảo lần thứ nhất, lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Dự kiến vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, Bộ Công Thương sẽ trình lên Chính phủ dự thảo DPPA.
Theo Petrotimes  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151