Có thể nói năm 2023 là một năm đáng báo động với thế giới khi nhiệt độ Trái đất đã nóng lên ở mức cao kỷ lục. Trong khi các quốc gia tiêu thụ điện than hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn không ngừng xây dựng các nhà máy điện than, thì ngành năng lượng tái tạo vẫn có một thị phần vững chắc trong "chiếc bánh" sản lượng điện năng toàn cầu. Năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời đang tăng trưởng nhanh chóng. Dấu hiệu này cho thấy, tương lai của ngành năng lượng tái tạo đã đến.
Theo Báo cáo Điện lực Toàn cầu do tổ chức tư vấn khí hậu Ember công bố vào ngày 8/5, thế giới đã tiến tới một bước ngoặt quan trọng trong ngành năng lượng sạch khi đạt sản lượng năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió đạt hơn 30% tổng sản lượng điện toàn cầu trong năm 2023. Đây là mức kỷ lục so với những năm trước.
Một nhà máy điện mặt trời ở bang Mexico đang phát triển bùng nổ trong năm 2023. Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục, năng lượng hóa thạch suy giảm
Ông Dave Jones, Giám đốc Phân tích Toàn cầu của Ember cho biết, năm 2000, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 19% tổng sản lượng điện toàn cầu. Nhưng đến năm 2023, con số này đã chiếm hơn 30%. Nếu tính thêm cả sản lượng điện hạt nhân, thế giới đã sản xuất ra 40% điện năng từ nguồn carbon thấp. Sự tăng trưởng của các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời đã giúp cho công suất tăng lên đáng kể trong năm 2023. Với đà phát triển này, toàn cầu có thể đạt được mục tiêu là tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 theo thỏa thuận khí hậu COP28 Dubai năm 2023.
Sự bùng nổ của năng lượng tái tạo đã giúp hạ cường độ carbon của ngành điện xuống mức thấp kỷ lục. Cường độ carbon (carbon intensity) là số gram carbon được giải phóng ra để có thể sản sinh ra 1 đơn vị kilowatt giờ điện năng. Nếu như năm 2007, cường độ carbon đạt mức cao nhất thì tới năm 2023, cường độ này đã giảm hơn 12%.
Trong thị phần điện lực, công suất năng lượng tái tạo gia tăng cũng đồng nghĩa với công suất năng lượng hóa thạch suy giảm và làm chậm tốc độ tăng trưởng. Hơn một nửa số quốc gia của COP28 đã đi qua thời kỳ đỉnh cao của sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch. Thị phần của nhiên liệu hóa thạch trong tổng sản lượng điện toàn cầu đã giảm từ mức 64,7% năm 2000 xuống mức 60,6% vào năm 2023. Ước tính, con số này sẽ tiếp tục giảm xuống mức 57,6% vào năm 2024 và giảm nhiều hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Sự bùng nổ của năng lượng mặt trời
Theo báo cáo của Ember, năng lượng mặt trời là nguồn điện tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2023. Nó đã đứng vị trí đầu trong 19 năm liên tiếp. Chỉ tính riêng trong năm 2023, điện năng lượng mặt trời đã tạo ra sản lượng gấp đôi so với với điện than.
Ông Dave Jones vẫn nhấn mạnh, sản lượng điện từ than và khí đốt vẫn chiếm phần lớn trong sản lượng điện toàn cầu nhưng so về tốc độ tăng trưởng thì năng lượng tái tạo, bao gồm gió và mặt trời lại cao hơn. Nếu sản lượng thủy điện không giảm đáng kể do hạn hán ở Trung Quốc và Ấn Độ, phải bù đắp bằng điện than thì sản lượng điện gió và mặt trời sẽ còn cao hơn, tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn.
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về sản lượng điện mặt trời, chiếm 36% tổng sản lượng toàn cầu trong năm 2023. Tuy nhiên, khi so sánh với hệ thống điện năng quốc gia của Trung Quốc, sản lượng điện mặt trời chỉ chiếm 6% trong tổng sản lượng điện. So với các quốc gia khác sản xuất năng lượng mặt trời, thị phần của Trung Quốc vẫn quá thấp.
Sản lượng điện mặt trời trung bình đang chiếm 10% sản lượng điện hằng năm ở 33 quốc gia. Nhưng nổi bật phải kể tới Chile với 30%, bang California, Mỹ với 28%, Úc với 17% và Hà Lan với 17% sản lượng điện năng từ mặt trời.
Theo Tạp chí Kinh tế & Môi trường