Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 30/04/2024 | 01:16 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Lưới điện thông minh

Đường dây 500 kV mạch 3 - Bài cuối: Vượt khó để bám tiến độ

15/04/2024
Việc huy động máy và thiết bị thi công móng cọc là phần công việc đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, thời gian thi công dài; đồng thời phải có máy thi công chuyên ngành như robot ép cọc, máy đóng cọc.

Tại vị trí 36, tính cả thời gian làm đường tạm đến đục đá đến nay đã hơn 2 tháng rưỡi. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Tại cuộc họp giao ban tháng 4 của Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban Chỉ đạo nhà nước) về tình hình thực hiện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối diễn ra mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc đồng thời huy động số lượng lớn các máy thi công chuyên ngành cho 239 vị trí móng cọc trên toàn tuyến đường dây trong thời gian ngắn là rất khó khăn.
Theo Tổng giám đốc EVN, tại nhiều địa phương không có máy ép cọc/đóng cọc công suất lớn nên phải huy động từ các vùng miền khác gây chậm tiến độ. Ngoài ra máy ép cọc có tải trọng lớn (200 tấn/máy), nhiều vị trí móng bị cô lập bởi xung quanh là ao - đầm - kênh - sông nên việc mở đường vào cho máy ép cọc mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Trong quá trình thi công, nhiều khó khăn đã tác động và làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các vị trí móng, cột. Cụ thể: Nhiều vị trí móng cọc nằm xa trục đường giao thông chính, khu đất ruộng, kênh mương, nền đất yếu nên việc triển khai đường thi công để tiếp cận, vận chuyển thiết bị máy móc và vật tư gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ hoàn thành còn chậm theo kế hoạch.
Điển hình nhiều vị trí nằm trên địa hình đồi núi cao và rất khó khăn cho việc vận chuyển máy móc, vật liệu vào thi công. Nhiều vị trí khi khai mở hố móng gặp đá khối lớn; ảnh hưởng của thời tiết (mưa nhiều) cũng gây khó khăn trong quá trình thi công.
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo EVN, đến ngày 8/4, đã xuất hiện các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của các Dự án.
Cụ thể, các nhà thầu chậm tiến độ cung cấp cột thép so với hợp đồng gồm Công nghệ Việt, Sông Đà 11, Việt Vương, Thành Long và Việt Á. Các khó khăn gây chậm tiến độ cung cấp được các nhà thầu nêu ra như khó khăn về tài chính, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, công suất chế tạo…
Về cung cấp cách điện, phụ kiện, mặc dù chưa chậm tiến độ so với hợp đồng, tuy nhiên qua theo dõi, làm việc với các nhà thầu thì 2 gói thầu cách điện nhập khẩu từ Nga của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa đang có nguy cơ chậm tiến độ do vận chuyển bằng đường sắt, hiện đang chờ Tập đoàn đường sắt Nga bố trí tàu hàng.
Các ngày trong tuần (kể cả các ngày nghỉ, lễ), lãnh đạo EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) luân phiên kiểm tra tình hình thi công trên công trường, đôn đốc các Nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng kỹ thuật và các quy định của Nhà nước.
Đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các nhà thầu chậm tiến độ. Đặc biệt là những vị trí qua địa hình khó khăn, những vị trí thời gian qua ảnh hưởng bởi thời tiết để bù tiến độ, bảo đảm hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng ngày các Ban Tiền phương, tư vấn giám sát của Dự án họp rà soát tiến độ thực hiện dự án với các nhà thầu; EVNNPT và các Ban quản lý Dự án thường xuyên có văn bản nhắc nhở, cảnh báo đối với các nhà thầu chậm tiến độ. Nhờ vậy, nhiều nhà thầu đang vượt khó để bám tiến độ đề ra.
Tại vị trí 428 trên địa bàn xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ông Phạm Tuấn Hiệp, Chỉ huy trưởng gói thầu 42, liên doanh nhà thầu Vitech - Fecon cho biết, gói 42 có 12 vị trí móng; trong đó đã hoàn thành 5/9 vị trí móng trụ bản, 2/3 vị trí móng cọc. Các vị trí đã đổ phần đế móng đã lắp bulong. Toàn gói 42 nhà thầu đang bám tiến độ Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đặt ra là trước 20/4 sẽ hoàn thành toàn bộ phần móng.
Công ty cổ phần Thương mại xây lắp Thăng Long đang lắp dựng cột ở vị trí 91 cao 79m, nặng gần 95 tấn. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
“Cung cấp cột đến đâu, chúng tôi sẽ hoàn thành lắp dựng đến đấy”, ông Hiệp cho hay. Ngoài ra, Liên danh nhà thầu còn tham gia 6 gói thầu cung cấp cột thép ở dự án 500 kV mạch 3 Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa. Theo kế hoạch đến 30/4 nhà thầu sẽ cung cấp đủ 100 vị trí cột của dự án này.
Từ khi triển khai gói thầu này đã 3 lần gặp trời mưa, nhưng nhà thầu đã tăng ca kíp để bù lại thời gian. Toàn bộ 5 vị trí móng còn lại, mỗi vị trí nhà thầu đang bố trí 20 công nhân làm việc. Với 5 tổ lắp dựng cột, khi có vật tư về nhà thầu triển khai làm ngay. Ông Hiệp ví dụ với vị trí 59B thì tiến độ lắp dựng từ 7 - 8 ngày là xong. Riêng cột néo 200 tấn 2 thân phải 15-20 ngày mới lắp xong. Gói 42 có 3 khoảng néo theo tiến độ khoảng 15/5 sẽ triển khai kéo dây.
Là nhà thầu tiên phong trong thi công và dựng cột, sau khi hoàn thành gói thầu đảm nhiệm, Liên doanh sẽ sẵn sàng hỗ trợ các nhà thầu khác hoàn thành nhiệm vụ chung, Chỉ huy trưởng Phạm Tuấn Hiệp chia sẻ.
Để quản lý, vận hành tốt đường dây sau khi được đóng điện, Truyền tải điện Thanh Hóa (Công ty Truyền tải điện 1), đơn vị được giao là Tư vấn giám sát khâu dựng cột cung đoạn đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Thành Long, Tư vấn giám sát cho biết, ngoài kiểm tra các đầu mục vật tư đảm bảo, thiết bị thi công, tem kiểm định, các bước thiết kế, dựng cột có đảm bảo tiêu chuẩn không..., đơn vị phải kiểm soát chất lượng để sau này quản lý vận hành hiệu quả, kể cả trong điều kiện vận hành thời tiết khắc nghiệt, đường dây mang tải cao.
“Tại một số vị trí đặc biệt như vị trí 91 được lắp dựng cột hình ống lần đầu tiên, ngoài bám vào thiết kế, xây lắp, chúng tôi cũng phải nhắc nhở nhà thầu Công ty cổ phần Thương mại xây lắp Thăng Long về vấn đề an toàn, giám sát các bước công việc thực hiện đầy đủ theo bản vẽ thiết kế để phục vụ tốt việc quản lý và vận hành sau này”, ông Long chia sẻ.
Công ty VinaPower là đơn vị Tư vấn giám sát 9 gói thầu từ số 10 - 18 thuộc đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Riêng từ gói 10 - 15 là địa hình nằm trên dãy Hoành Sơn nên mỗi khi trời mưa là xe không chở được dầu, nguyên vật liệu vào vị trí móng, từ đó giảm tiến độ thi công của các đơn vị.
Ông Vũ Đình Sơn, Tư vấn giám sát Công ty VinaPower cho biết, trước thực tế này, các nhà thầu đã rất nỗ lực và tập trung tăng ca, kíp, tăng máy móc nhân lực, kể cả làm đêm để đảm bảo tiến độ. Cùng với với việc giám sát tiến độ thì chất lượng thi công luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu.
“Công việc của chúng tôi là giám sát đào đúc móng, từ san gạt đến kiểm tra cốt, đào móng, nghiệm thu để chuyển bước thi công, đặt buộc cốt thép, đúc bê tông. Qua giám sát chúng tôi nhận thấy nhà thầu rất nỗ lực và bản lĩnh. Với những địa hình như vị trí 34, 35, đứng lên đã sợ vì độ cao nhưng máy móc đưa lên đây là cả một vấn đề, dễ xảy ra tụt ta luy rất nguy hiểm”, ông Sơn nhận xét.
Về phía đơn vị quản lý dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, ông Bùi Xuân Thái, Phó phòng kỹ thuật CPMB, cho biết, khi triển khai thi công các vị trí 33 - 35 thuộc dự án đều nằm trên đồi núi cao, địa hình khó, nhiều đất đá, thời tiết có mưa thì gần như tạm dừng thi công, với tính chất quan trọng của dự án, nhà thầu đã đưa ra nhiều phương án, dùng máy cày để vận chuyển dầu, thiết bị lên trước để khi mưa có thể làm bình thường.
Theo ông Thái, đến thời điểm giữa tháng 4, cơ bản các nhà thầu tham gia dự án đang bám sát tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng và EVN. Với 463 vị trí kéo dài từ sân phân phối Quảng Trạch đến vị trí 463 Quỳnh Lưu, đến nay các nhà thầu đã hoàn thành 182 vị trí móng, đang triển khai thi công hơn 200 vị trí. Toàn tuyến đang triển khai thi công và hoàn thành lắp dựng 16 cột, đang lắp 30 cột. Các nhà thầu đặt ra quyết tâm tháng 4 sẽ hoàn thành hết phần móng, giai đoạn này đang cấp đồng loạt cột cho các nhà thầu dựng, khi phần dây và cách điện về sẽ bắt đầu kéo dây từ cuối tháng 4.
Móng xong đến đâu, các nhà thầu triển khai dựng cột đến đó. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Theo Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn, để tháo gỡ khó khăn về cung cấp vật tư cho công trình đường dây 500 kV mạch 3, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo EVN, EVNNPT đưa ra và quyết liệt thực hiện nhằm hỗ trợ các nhà thầu vượt khó khăn đẩy nhanh tiến độ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến tiến độ chung của các Dự án như: Tháo gỡ khó khăn về nguồn lực tài chính cho các nhà thầu/nhà sản xuất; Giám sát việc nhập nguồn nguyên liệu thép đầu vào; Cử cán bộ giám sát thường xuyên để đôn đốc các nhà thầu tăng cường sản xuất 3 ca, 4 kíp, 24/7; Yêu cầu nhà thầu lắp đặt thêm máy móc, dây chuyền tại một số nhà máy để tăng công suất chế tạo;
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành thường xuyên rà soát để phát hiện từ sớm, từ xa các nhà thầu chậm tiến độ từ đó có phương án hỗ trợ, chia sẻ một phần khối lượng sản xuất đối với nhà thầu đang chậm tiến độ cho các nhà sản xuất khác nhằm đẩy nhanh tiến độ gia công, chế tạo cột thép.
Với 2 gói thầu nhập khẩu cách điện từ Nga của dự án đường dây 500kV Nam Định I - Thanh Hóa có nguy cơ chậm tiến độ, Chủ đầu tư đã cùng nhà thầu liên hệ với Tham tán thương mại của Việt Nam tại Nga tiếp tục hỗ trợ, làm việc với các cơ quan quản lý đường sắt Nga để được sớm bố trí tàu vận chuyển với dự kiến giao hàng tại Việt Nam vào cuối tháng 4 này.
Hiện toàn tuyến đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối còn 251/503 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng; trong đó, Hà Tĩnh còn 66/112 khoảng néo; Nghệ An còn 65/88 khoảng néo; Thanh Hóa còn 67/138 khoảng néo; Nam Định còn 24/54 khoảng néo; Thái Bình còn 11/47 khoảng néo; Hải Dương còn 13/31 khoảng néo và Hưng Yên còn 5/14 khoảng néo. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước, lãnh đạo EVN kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục hỗ trợ bàn giao các khoảng néo còn lại để Chủ đầu tư thực hiện rải, kéo dây dẫn, thời gian dự kiến bắt đầu từ ngày 26/4 tới.
Để dự án đường dây 500 kV mạch 3 thực hiện theo đúng tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các tỉnh có dự án đi qua, cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Chủ đầu tư hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến trước 15/4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chỉ đạo các huyện sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý về bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc lập và phê duyệt phương án bồi thường đối với các vị trí móng cột và hành lang tuyến đã bàn giao cho Chủ đầu tư; tiếp tục vận động người dân ủng hộ trong bồi thường giải phóng mặt bằng và công tác thi công.
Đối với EVN và EVNNPT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tăng cường kiểm tra đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành thi công trước ngày 15/6 để có thời gian vận hành, thử nghiệm và đóng điện dự án chậm nhất ngày 30/6.
Theo TTXVN  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151