Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:05 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Thời tiết năm 2024 tác động thế nào đến hoạt động các nhà máy thủy điện Việt Nam?

05/04/2024
Thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất lợi, ít mưa và nắng nóng đã làm cho lượng nước về các hồ thủy điện ít hơn trung bình nhiều năm. Vậy, EVN sẽ ứng phó ra sao để tránh lặp lại sự cố thiếu điện như mùa hè năm 2023 do thủy điện thiếu nước? Phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Trong năm 2023, do tình hình thủy văn có nhiều diễn biến bất lợi nên nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc có lượng nước về rất ít, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm 2023 của các hồ thủy điện phía Bắc chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với trung bình nhiều năm. Còn các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng chung hoàn cảnh tương tự, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng công suất huy động từ thủy điện.
Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, ngay từ những ngày cuối quý 3/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm việc tích nước nhằm đảm bảo đến cuối tháng 12/2023, thượng lưu hồ chứa phải đạt mực nước dâng bình thường, hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Việc huy động công suất từ các nhà máy thủy điện trong năm 2024 cũng được EVN tính toán, cân nhắc nhằm tránh hiện tượng thiếu hụt lượng nước tại các hồ chứa như năm 2023.
Theo thống kê về thủy văn cho thấy: Từ đầu tháng 3 đến nay, tình hình nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc có lưu lượng thấp, chỉ đạt khoảng 24 - 91% trung bình nhiều năm (trừ hồ Thác Bà có nước về đạt 111% cao hơn trung bình nhiều năm). Miền Trung có 16/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (từ 16 - 95%), 11/27 hồ có nước về tốt (từ 101 - 223% trung bình nhiều năm), một số hồ có nước về rất tốt như: A Lưới, Đak Re, Đak Đrinh, Sông Hinh.
Còn ở miền Nam (ngoại trừ Thủy điện Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn trung bình nhiều năm), các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ 24 - 87%).
Tính toán theo nước về (bao gồm cả thủy điện nhỏ), sản lượng điện quy đổi các ngày trong tuần trung bình đạt khoảng 70,7 triệu kWh/ngày. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống thủy điện tại thời điểm giữa tháng 3/2024 cao hơn 2.939,2 triệu kWh (miền Bắc cao hơn 2.333 triệu kWh, miền Trung cao hơn 180,1 triệu kWh, miền Nam cao hơn 426,1 triệu kWh).
Trong tuần thứ 10, sản lượng trung bình ngày của thủy điện được huy động khoảng 103,5 triệu kWh (thấp hơn 22 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3). Nguyên nhân là do lượng nước về các hồ tiếp tục thấp hơn dự báo. Ví dụ lưu lượng nước về tại 37 hồ thủy điện (xem bảng dưới đây) trong ngày 1/4/2024 cho thấy: Mực nước tại hồ chứa đều thấp hơn trung bình nhiều năm và trong số 37 nhà máy thủy điện, chỉ có 17 nhà máy vận hành, hoạt động cầm chừng và chỉ có 5 hồ phải xả nước qua đập tràn xuống hạ lưu. 
Bảng tổng hợp thông tin hồ chứa ngày 1/4/2024 - nguồn EVN:
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Hiện tượng El Nino đã xuất hiện từ giữa năm 2023 và vẫn còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau đó suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2024 và khoảng 50 - 60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Với các pha thời tiết thay đổi liên tục trong một năm, tình hình thời tiết dự báo năm 2024 sẽ có nhiều biến động và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường trước được. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở Tây Bắc bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung bộ, sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ vào tháng 4 đến tháng 6/2024. Nắng nóng tại Nam bộ duy trì trên miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5. Cảnh báo nguy cơ thiếu nước nửa đầu năm ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đã được đưa ra.
Dự báo từ tháng 7 đến tháng 8/2024, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ. Về xu thế nắng nóng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ trong tháng Bảy, tháng Tám.
Nắng nóng sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Trong tuần thứ 10 năm 2024, phụ tải quốc gia có sản lượng trung bình ngày là 818,9 triệu kWh, trong đó, phụ tải miền Bắc ghi nhận đạt 358,8 triệu kWh, miền Trung 75,8 triệu kWh, miền Nam 384,28 triệu kWh.
Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng khoảng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, phụ tải miền Bắc tăng 9,9%, miền Nam tăng 12,7%, miền Trung tăng 8,3%.
Mặc dù phụ tải tăng, nhưng hệ thống điện vận hành an toàn, công tác cung cấp điện trong thời gian qua tiếp tục được thực hiện tốt, đảm bảo đủ nhu cầu đủ điện cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh hoạt của nhân dân.
Tiết kiệm nước tối đa để huy động công suất từ thủy điện khi nguồn điện gió, mặt trời thiếu hụt:
Tại miền Bắc, EVN đã chỉ đạo thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm nước các hồ thủy điện, nhất là các hồ có mực nước thượng lưu thấp, đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết lưới truyền tải để huy động các nhà máy thủy điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời giữ nước để phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024. Việc cấp nước cho sản xuất vụ Đông - Xuân 2023 - 2024 đã thực hiện tốt, tiết kiệm được khoảng 0,5 tỷ m3 nước so với kế hoạch dự kiến. (Theo kế hoạch, các hồ thủy điện sẽ xả nước cấp cho sản xuất vụ Đông - Xuân 2023 - 2024 là 3,5 tỷ m3 nước).
Từ ngày 18/2/2024, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã triển khai giải pháp đặt các ràng buộc trong công tác lập lịch nhằm khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500 kV Trung - Bắc (cung đoạn đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan) với mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc.
Từ 9h00 ngày 8/3/2024, A0 tiếp tục triển khai giải pháp đặt ràng buộc tối đa nhiệt điện than và tua bin khí để tiết kiệm hơn nữa các nguồn thủy điện, đặc biệt trong các chu kỳ không có yêu cầu cấp nước cho hạ du, tránh can thiệp trực tiếp thủy điện, đồng thời tận dụng khả năng truyền tải để tiết kiệm huy động công suất từ nguồn thủy điện miền Bắc.
Theo đó, truyền tải điện trên cung đoạn 500 kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 37,7 - 44,3 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.480 MW.
Tại khu vực miền Trung và miền Nam, EVN đã huy động công suất từ các nhà máy thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện.
Huy động cao nguồn nhiệt điện than và năng lượng tái tạo để hỗ trợ thủy điện tiết kiệm nước:
Thống kê cho thấy: Sản lượng trung bình ngày trong tuần được huy động từ nhiệt điện than đạt khoảng 509,8 triệu kWh (cao hơn 10,3 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3). Hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống và yêu cầu không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than.
Loại nguồn điện được huy động cao tiếp sau nhiệt điện than là năng lượng tái tạo với sản lượng trung bình ngày đạt 118,3 triệu kWh (cao hơn 7,5 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3). Trong đó, nguồn từ điện gió là 36,5 triệu kWh (cao hơn 7,2 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3). Nguồn năng lượng tái tạo được huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến của nhà máy (có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống).
Đối với nhiệt điện khí, sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 80,5 triệu kWh (cao hơn 13,4 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3). Các tổ máy được huy động theo nhu cầu hệ thống, đảm bảo các ràng buộc chống quá tải lưới điện, chất lượng điện áp và an toàn cho hệ thống cấp khí.
Như vậy, trong tuần thứ 10 năm 2024 tỷ lệ huy động nguồn điện cao nhất là nhiệt điện than (509,8 triệu kWh/ngày), tiếp đến là năng lượng tái tạo (118,3 triệu kWh/ngày), thủy điện huy động khoảng 103,5 triệu kWh/ngày và sau cùng là nhiệt điện khí đạt khoảng 80,5 triệu kWh/ngày.

Lời kết:
Do thời tiết biến đổi khó lường nên những biện pháp mà EVN đã đề ra và thực hiện trong quý 1/2024 khi huy động cao các nguồn điện như nhiệt điện than, năng lượng tái tạo, hay điện khí để giảm huy động công suất từ các nhà máy thủy điện, nhằm tích trữ nước cho các hồ thủy điện là hoàn toàn hợp lý. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, EVN sẽ đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô năm nay và cả năm 2024./.

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam 

Bảng tổng hợp thông tin hồ chứa ngày 1/4/2024 - nguồn EVN:

Cùng chuyên mục

Chuyển đổi số trong thu thập, giám sát thông số vận hành Nhà máy Thủy điện An Khê

07/10/2024

Nhà máy Thủy điện An Khê (NMAK) có tổng công suất 160 MW (2 x 80 MW), cùng với 2 xuất tuyến (XT271, XT274). Xuất tuyến 271 kết nối từ trạm phân phối 220 kV Nhà máy đến trạm biến áp 220 kV Quy Nhơn. Xuất tuyến 274 kết nối trạm phân phối 220 kV đến trạm phân phối 220V Nhà máy Sinh khối An Khê.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151