Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 04/10/2024 | 12:17 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước

08/11/2023
'Chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để đảm bảo ngành phát triển bền vững', chuyên gia chia sẻ.
Loạt bất cập của ngành điện
Chia sẻ tại Tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra” ngày 7/11, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cho rằng, vừa qua Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo, nhưng thực tế ngành điện vẫn còn những bất cập, từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 3 khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối.
Về mặt cơ cấu, ông Hồi cho biết giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành.
Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện. Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.
"Vì vậy chúng tôi luôn mong muốn và kỳ vọng cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường", ông Hồi nói.
Vị chuyên gia này lưu ý: Giai đoạn vừa qua là rất đặc thù. Chúng ta vừa trải qua thời kỳ dịch Covid-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá chưa đảm bảo theo tín hiệu của thị trường. Đặc biệt, sau dịch, ngành điện lại chịu biến động theo giá nhiên liệu đầu vào trên thế giới.
Điều tiết giá điện phản ánh hơi hướng của thị trường.
Nếu giá xăng dầu trên thế giới biến động thì Việt Nam cũng biến động tương tự. Giá dầu, giá xăng, giá khí đốt tăng trong khi chúng ta, vì mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không điều chỉnh tăng giá theo dẫn tới ngành điện hoạt động tương đối khó khăn.
Do đó, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, để đảm bảo ngành điện phát triển và nền kinh tế hoạt động ổn định.
"Chúng ta cố gắng giữ giá, chỉ tăng 3% trong vòng 4 năm để đảm bảo an sinh và đảm bảo mục tiêu vĩ mô khác. Rủi ro có thể không đến ngay, nhưng chỉ cần thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian rất ngắn thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chúng ta đã thiệt hại đến 1,4 tỷ USD", ông Bùi Xuân Hồi nhắc lại.
Vì thế, ông Hồi cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện để đảm bảo ngành phát triển bền vững, từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được đảm bảo.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đối với một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quyết định, chúng ta tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định, như vậy mới có nguồn cung ứng đảm bảo.
Kinh nghiệm của bang Carlifornia (Mỹ) cho thấy có thời kỳ ngành điện giữ vị thế độc quyền. Chính quyền quy định giá quá thấp so với giá thị trường, doanh nghiệp thua lỗ không thể tồn tại, không thể phát triển được, dẫn đến thiết hụt điện. Đây là một bài học cực kỳ quan trọng - ông Long dẫn chứng.
"Chúng ta đánh đồng EVN với ngành điện"
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ: Cuối năm 2020, 2021 và 2022, Chính phủ đã cố gắng lớn trong việc điều hành giá điện, coi như một công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lần đầu tiên EVN báo cáo, trong năm 2022, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 thực hiện giảm tiền điện, EVN đã hụt thu 23 nghìn tỷ đồng.
"Trong hoạt động chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi cũng kiến nghị phải tính đúng, tính đủ cho EVN, trừ đi cho người dân nhưng vẫn phải cộng vào doanh số của EVN. Vấn đề hạch toán, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan làm cho tốt, hoàn thiện lại", ông Kiên nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị: Những tháng còn lại của năm 2023 và 2024, cần truyền thông về giá điện một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành điện Việt Nam.
"Ở đây, chúng ta đang có một sự nhầm lẫn là đánh đồng EVN với ngành điện nên đều tập trung vào EVN. Đấy cũng là điều chúng ta phải làm rõ. Trước đây 20 năm ngành điện là chủ yếu là EVN, nhưng sau 20 năm chúng ta thực hiện đổi mới, ngành điện và EVN đã tách ra.
Chia sẻ may mắn được tham gia xây dựng từ Sơ đồ điện 6 đến bây giờ, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: "Trước đây khi tính hệ số co giãn, cứ 1% tăng trưởng GDP thì phải có tăng trưởng điện khoảng 2%. Nay khoa học công nghệ phát triển, 1% tăng trưởng GDP, tăng trưởng điện khoảng 1,4-1,5%".
"Bốn năm vừa qua đủ điện là vì dịch bệnh kéo dài, không ai sản xuất, tăng trưởng kinh tế chỉ có 3-4%. Nếu chúng ta tăng trưởng 7% thì bài toán về phát triển nguồn vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã báo cáo rất rõ những vấn đề này, hy vọng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định sớm về chỉ đạo điều hành điện trong 2024", ông Kiên nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151