Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 15/09/2024 | 00:43 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Thực trạng và định hướng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng

24/10/2023
​Ngày 20/10, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng các Chương trình Trọng điểm Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học “Thực trạng và định hướng phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lĩnh vực năng lượng giai đoạn 2021-2030, khu vực phía Nam.
Hội thảo nhằm cập nhật, trao đổi, thảo luận định hướng KH&CN giải quyết những vấn đề nóng hiện nay như: Chuyển đổi năng lượng, năng lượng mặt trời và lưới điện thông minh… đã được thể hiện trong Khung Chương trình KC.05/21-30 (Chương trình KH&CN cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”).
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia, doanh nghiệp để nhận diện, tháo gỡ những tồn tại, xác định nhu cầu thực tế cũng như đánh giá tính khả thi, tính ứng dụng, tính phù hợp và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác xây dựng chính sách cũng như thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ sau này.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN phát biểu tại hội thảo
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN cho rằng, nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò cung cấp năng lượng chính cho toàn thế giới trong suốt thế kỷ qua. Tuy nhiên, trước sức ép của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc chuyển dịch năng lượng để cắt giảm phát thải carbon trở thành xu hướng tất yếu. Trong tương lai, than rồi đến dầu sẽ dần được thay thế bởi khí thiên nhiên (loại nhiên liệu hóa thạch sạch hơn và có trữ lượng dồi dào) và phần lớn nhu cầu năng lượng mới sẽ được đáp ứng bởi các loại năng lượng tái tạo.
Các đặc điểm địa lý, trình độ khoa học công nghệ, tình hình kinh tế và chính sách cùng mức độ quan tâm đến các vấn đề liên quan đến khí hậu sẽ là yếu tố quyết định tới tốc độ chuyển dịch cơ cấu năng lượng của từng quốc gia trong thời gian tới.
Chuyển dịch năng lượng lần này sẽ có quy mô và tác động lớn hơn rất nhiều, bao gồm thay đổi lớn, mang tính cách mạng trong các thiết bị sử dụng năng lượng từ dân dụng đến công nghiệp, nằm trong bối cảnh điều chỉnh phức tạp của các chính sách quốc tế và quốc gia, cũng như sức ép không nhỏ của người tiêu dùng và xã hội về môi trường. Chiến lược trong xu thế chuyển dịch năng lượng được thể hiện ở 3 nội dung chính sau: Giảm hàm lượng carbon (Decarbonisation); điện hóa nền kinh tế và xã hội (Electrification); phát triển năng lượng tái tạo (Renewable energy).
Công trường chế tạo chân đế điện gió ở Cảng PTSC
Tại Việt Nam, ngành năng lượng trong 10 năm qua đã đạt được nhiều thành quả, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trước những vấn đề ngành năng lượng đang gặp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết là ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã đề ra phát triển công nghệ năng lượng là một trong 10 định hướng phát triển nghiên cứu giai đoạn tới, trong đó “Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu…” là một trong những nội dung nghiên cứu quan trọng. Bên cạnh đó, Quyết định số 1217/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/21-30 nhằm hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, lưới điện thông minh… trong lĩnh vực vực năng lượng.

Tiến sỹ Ngô Hữu Hải, Chủ tịch Hội dầu khí TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận
Trình bày tham luận “Dầu khí trong kỷ nguyên 4.0” tại Hội thảo, Tiến sỹ Ngô Hữu Hải, Chủ tịch Hội dầu khí TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Công nghiệp Dầu khí vẫn sẽ giữ vị trí hàng đầu trong năng lượng sơ cấp. Theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần tăng cường đầu tư trong và ngoài nước.
Khi các nguồn tài nguyên mới còn chưa đa dạng về nguồn cung và chưa thể thay thế dầu khí, ngành dầu khí cần ứng dụng giải pháp và quy trình công nghệ hiện đại hơn để tăng hiệu quả, tối ưu khai thác và tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Để thực hiện các định hướng trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra giải pháp là quản trị tốt sự biến động, tăng cường thực hiện các giải pháp can thiệp giếng, gia tăng sản lượng, hệ số thu hồi; Tối ưu chi phí đảm bảo hiệu quả các dự án khai thác; Đảm bảo tiến độ công tác phát triển mỏ, khai thác cho các công trình dầu khí; Tăng cường nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4.0 và AI để nâng cao hiệu quả công tác thăm dò khai thác và phát triển mỏ.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến sát thực tế, nhiều giải pháp và hướng đi mới của Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân, Viện Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty điện lực TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội… để cùng hướng tới nguồn năng lượng mới, sạch và an toàn với môi trường.
Theo Petrotimes  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151