Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi do Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi làm chủ đầu tư, các hạng mục chính của dự án được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi tại xã Đa Mi, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đây là dự án nhà máy điện mặt trời nổi có quy mô công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án điện mặt trời nổi lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Internet Dự án bắt đầu nghiên cứu và thực hiện các thủ tục đầu tư từ năm 2017, tổ chức khởi công xây dựng từ tháng 8/2018 và đến tháng 6/2019 Nhà máy chính thức vận hành phát điện thương mại, với sản lượng điện thiết kế khoảng 70 triệu kWh/năm, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đầu tư nhà máy điện mặt trời nổi này là một quyết định mang tính đột phá của những con người dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu phát triển nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.
Một góc của Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi. Ảnh: Internet Toàn bộ các hạng mục công trình Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng trên diện tích 56,65 ha, trong đó 50 ha mặt nước dùng để lắp đặt các tấm quang điện mặt trời (diện tích lắp đặt tấm quang điện chiếm chưa đến 10% tổng diện tích mặt hồ Đa Mi; số lượng tấm quang điện khoảng 143.940 tấm, loại pin Poly, công suất khoảng 330 Wp/tấm được lắp đặt trên hệ thống phao nổi được sản xuất tại khu vực nhà máy) và 6,65 ha trên đất liền để xây dựng hệ thống nghịch lưu (inverter), trạm biến áp nâng áp 22/110 kV, đường dây 110 kV đấu nối vào lưới điện quốc gia,... và các hạng mục phụ trợ khác.
Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi từ trên cao. Ảnh: Internet
Một góc của Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi. Ảnh: Internet Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã quyết định đầu tư vào dự án Nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện Đa Mi bởi nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng điểm đặc biệt quan trọng nhất là mực nước hồ thủy điện Đa Mi thay đổi rất ít, chỉ khoảng 2 mét. Quanh năm, mực nước hồ Đa Mi gần như duy trì ổn định, tạo điều kiện lý tưởng cho việc thiết kế hệ thống phao neo để lắp đặt các mảng pin quang điện.
Một góc của Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi. Ảnh: TTXVN Mặt thoáng của hồ Đa Mi cung cấp một môi trường làm mát tự nhiên tuyệt vời, giữ cho nhiệt độ của các tấm pin quang điện trong giới hạn kỹ thuật, đảm bảo hiệu suất phát điện tối ưu. Ngoài ra, môi trường sạch đã giúp giảm thiểu sự bám bẩn lên các bề mặt pin quang điện so với việc lắp đặt trên mặt đất. Sau hơn một năm vận hành, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi chỉ cần thực hiện công việc vệ sinh một lần duy nhất.
Những tấm pin mặt trời của Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi. Ảnh: TTXVN
Những tấm pin mặt trời của Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, việc sử dụng mặt hồ thủy điện để thực hiện dự án đã giúp giảm thiểu chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, làm tăng hiệu suất đầu tư cho dự án.
Theo Nguoiquansat.vn