Thực hiện về lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, để chuẩn bị triển khai xây dựng thị trường bán lẻ điện, Cục Điều tiết điện lực đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam. Đến nay, Đề án này đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 07 tháng 8 năm 2020.
Mục tiêu chính của thị trường bán lẻ điện là cho phép khách hàng được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện với giá điện phản ánh đầy đủ các chi phí hợp lý hợp lệ và có tính cạnh tranh, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch trong các hoạt động giao dịch mua bán điện. Dựa trên điều kiện đặc thù của ngành điện Việt Nam, Đề án đưa ra 02 mô hình thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường bán lẻ điện Việt Nam, bao gồm: i) Khách hàng sử dụng điện mua điện từ thị trường điện giao ngay; và ii) Khách hàng sử dụng điện lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện. Với từng mô hình nêu trên, Đề án cũng đã xây dựng các cơ chế nguyên tắc vận hành, cũng như các điều kiện cần đáp ứng để triển khai thực hiện. Việc xây dựng hoàn thiện thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện rất quan trọng, làm cơ sở để thị trường điện cạnh tranh nói chung cũng như thị trường bán lẻ điện nói riêng được vận hành ổn định và hiệu quả.
Kế hoạch triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được chia làm 3 giai đoạn: Trong giai đoạn đầu (đến hết năm 2021) sẽ tập trung vào các công tác chuẩn bị cần thiết cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (các văn bản pháp lý, tái cơ cấu ngành điện, …). Giai đoạn tiếp theo (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện mua điện trên thị trường điện giao ngay. Sau năm 2024, sẽ từng bước cho phép các khách hàng sử dụng điện sẽ được quyền lựa chọn đơn vị bán lẻ điện cho mình thay vì chỉ được mua từ 01 đơn vị bán lẻ duy nhất theo khu vực địa lý như trước đây.
Việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cũng đặt ra một loạt các thách thức, vấn đề cần giải quyết liên quan đến hệ thống văn bản pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cải cách giá điện… Để đảm bảo thuận lợi cho công tác phát triển thị trường bán lẻ điện, Đề án cũng đưa ra một loạt các giải pháp, trong đó chú trọng vào việc tách bạch khâu phân phối và khâu kinh doanh bán lẻ điện, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng như các quy định, khung pháp lý đảm bảo sự ổn định trong quá trình vận hành thị trường điện.
Chi tiết về các nội dung chính của Đề án theo Quyết định số 2093/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương
tại đây.
Cục Điều tiết điện lực