Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:36 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Việt Nam - Nhật Bản: Khởi động Nhóm Công tác xúc tiến AZEC- Chuyển đổi xanh

03/10/2023
Sáng 3/10 tại Hà Nội, đã diễn ra Cuộc họp khởi động Nhóm Công tác AZEC -Chuyển đổi xanh giữa Bộ Công Thương Việt Nam và các đối tác Nhật Bản.
Cuộc họp với sự tham dự của ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương); ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Aguin Toru, Trưởng Đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Hà Nội; Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn Phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; đại diện các Hiệp hội/doanh nghiệp: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than–Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, JCCI...
Thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển dịch năng lượng
Trước đó, tháng 1/2022, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố Nhật Bản sẽ đóng góp vào quá trình khử các-bon châu Á thông qua Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC). Theo đó, các quốc gia sẽ nhận được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật rộng rãi thông qua các tổ chức tài chính, tổ chức phát triển của Nhật Bản như JBIC, JICA, NEXI, JOGMEC, NEDO, JETRO…
Tiếp theo, đến tháng 3/2023, Việt Nam cùng các nước Úc, Bru-nây, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Xinh-ga-po tham dự Hội nghị Bộ trưởng AZEC do Chính phủ Nhật Bản tổ chức.
Từ năm 2003, Chính phủ Việt Nam – Nhật Bản đã thiết lập khuôn khổ hợp tác song phương thông qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhằm tăng cường đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc họp khởi động Nhóm công tác AZEC
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định: Bộ Công Thương Việt Nam luôn đánh giá cao các nỗ lực triển khai hoạt động hợp tác, ghi nhận các thành tựu đã đạt được và luôn sẵn sàng phối hợp với phía Nhật Bản tiếp tục tăng cường, mở rộng hơn nữa các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11 năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
“Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương”- ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.
Ngày 14/12/ 2022, Việt Nam đã cùng Nhóm các Đối tác quốc tế đưa ra Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Tại khu vực ASEAN, Việt Nam và Indonesia là 02 quốc gia đầu tiên tham gia JETP. Thỏa thuận JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Nội dung của Thỏa thuật JETP với các mục tiêu mới như: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm phát thải của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30.2GW từ mức dự kiến là 37GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức dự kiến 39% hiện tại.
Ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, để góp phần thực hiện cam kết trên, Việt Nam cần chuyển dịch năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch đi kèm với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được thể hiện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2023. Quy hoạch điện VIII nêu rõ, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế như JETP, AZEC…, các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh…trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Với nhiệm vụ được Bộ Công Thương giao làm đầu mối, thời gian qua Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã phối hợp với phía Nhật Bản thiết lập Nhóm Công tác xúc tiến chuyển đổi xanh hay còn gọi là Nhóm Công tác xúc tiến AZEC.
Theo đó, Nhóm Công tác xúc tiến AZEC được triển khai với vai trò là đầu mối tham vấn giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực công – tư Nhật Bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc thành lập và triển khai Nhóm Công tác xúc tiến AZEC còn có vai trò như một mô hình mẫu cho Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.
Ông Hoàng Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp
Ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định: Đối với Việt Nam, những mục tiêu như: Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh; Đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý; Chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất thách thức.
“Vì vậy chúng tôi hoan nghênh sáng kiến thành lập Nhóm Công tác xúc tiến AZEC và tổ chức Cuộc họp khởi động Nhóm công tác xúc tiến AZEC ngày hôm nay nhằm thiết lập khung khổ hợp tác hiệu quả, thiết thực và giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và chống biến đổi khí hậu”- ông Dũng nhấn mạnh.
Thống nhất 3 nhận thức chung
Tại cuộc họp, hai bên đã giới thiệu cấu trúc Nhóm Công tác AZEC, các Trưởng Phân nhóm 1,2,3 giới thiệu về cấu trúc cùng các thành viên và các hoạt động ưu tiên trong thời gian tới.
Các vấn đề ưu tiên đã nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao từ hai bên. Đồng thời, Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian thảo luận về phương hướng hoat động của Nhóm Công tác trong thời gian tới như: Xây dựng kế hoạch hành động cho Nhóm Công tác và xây dựng báo cáo Chính phủ hai nước về kết quả đạt được trước thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng AZEC dự kiến trong quý I năm 2024.
Việc thành công thành lập Nhóm Công tác và ra mắt các thành viên trong đó xác định được các vấn đề ưu tiên, trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới. Đại diện Bộ Công Thương đã đề nghị hai Bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động Nhóm Công tác, đóng vai trò là nền tảng hoạt động và cơ sở triển khai các ý tưởng, công việc cụ thể trong thời gian tới.
Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Watanabe Shige khẳng định, Việt Nam gần đây phát triển nhanh đạt trên 8% năm 2022, cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế nhu cầu điện tăng cao từ 7-8%/năm. Quy hoạch điện VIII đã được thông qua vào tháng 5/2023 với mục tiêu kép được Việt Nam đề ra tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, đạt phát thải ròng bằng không. Theo đó, chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, giảm nhiệt điện than chuyển sang đồng đốt sinh khối và ammoniac sẽ là một trong những nội dung trọng tâm của Quy hoạch điện VIII.
“Hai bên đã thống nhất 3 nhận thức: Khử các- bon, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện lộ trình trung hòa các – bon theo thực tiễn từng quốc gia. Hoạt động xúc tiến AZEC tập trung vào chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi xanh các nhà máy điện, năng lượng tái tạo, hệ thống điện và thị trường, điều này sẽ đóng góp vào thành công của Quy hoạch điện VIII.”- ông Watanabe Shige nhấn mạnh.
Ông Watanabe Shige phát biểu tại cuộc họp
Ông Watanabe Shige cũng khẳng định, Việt Nam và Nhật Bản đã có mối quan hệ hợp tác chiến lược, cuộc họp khởi động Nhóm công tác xúc tiến AZEC ngày hôm nay được kỳ vọng làm sâu sắc hơn mối quan hệ của hai quốc gia nhất là trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ giữa hai nước.
Tại Cuộc họp này, hai Bên đã ra mắt các thành viên trong Nhóm Công tác bao gồm: Phân Nhóm Công tác về chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi xanh các nhà máy điện, Phân Nhóm Công tác về năng lượng tái tạo, Phân nhóm công tác về Hệ thống và thị trường điện.
Về phía Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng với Cục Điều tiết điện lực sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động đảm bảo tính hiệu quả trong các Phân nhóm này.
Bộ Công Thương kỳ vọng trong thời gian tới, hai Bên sẽ tiến hành các cuộc họp để thảo luận sâu hơn nữa về những thuận lợi, cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai các công việc cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển ngành năng lượng nói chung, ngành điện nói riêng theo định hướng chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với những thông tin, chia sẻ, bài học kinh nghiệm từ phía Nhật Bản thông qua các Tập đoàn, Công ty lớn của phía Nhật Bản tham gia trong khuôn khổ Nhóm Công tác sẽ giúp chúng tôi định hướng chính sách phát triển phù hợp và hiệu quả nhất cho Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả”- ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định.
Thu Hường

Cùng chuyên mục

Cục Điều tiết điện lực tiếp Đoàn công tác của Bộ Năng lượng và Mỏ - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

07/10/2024

Trong tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Cục Điều tiết điện lực (Cục ĐTĐL), Cục ĐTĐL đã có buổi làm việc, trao đổi với Đoàn công tác của Bộ Năng lượng và Mỏ - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về các chủ đề liên quan đến nhập khẩu điện từ Lào, đồng thời trao đổi về kinh nghiệm thành lập Cơ quan điều tiết điện lực Việt Nam.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151