Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED Theo Bộ Xây dựng, qua 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình, với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.
Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển các công trình xanh, góp phần đưa phát thải về 0% vào 2025 theo cam kết của Chính phủ.
Theo Bộ Xây dựng, các thành phố trên thế giới hiện chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng phát thải nhà kính (KNK) thải vào khí quyển. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C hoặc thấp hơn, các thành phố phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hết quý II năm 2023, hiện có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho hay: "Là quốc gia đang phát triển, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gây áp lực đáng kể lên cả cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng".
Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.
"Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môitrường. Hiện, Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nêu.
Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng…
Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, côngtrình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải dòng bằng không đã và đang làmột trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Để đối phó với những thách thức phát triển xanh, bền vững, phát thải các bon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã khởi xướng có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh. Tuy nhiên, việc áp dụng công trình xanh ở Việt Nam vẫn còn có nhiều rào cản và thách thức.
Ngoài khó khăn do tác động của đại dịch covid, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, theo Thứ trưởng Văn, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về:tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh...
Theo Báo Đầu tư