Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 03/11/2024 | 08:21 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 26/8/2023

27/08/2023
​20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tăng mạnh công suất phát điện; G20 chi hơn 1.000 tỷ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch; Nam Phi và Trung Quốc ký kết một số thỏa thuận năng lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 26/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tăng mạnh công suất phát điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 25/8/2023, đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, chưa tăng thêm dự án nào so với thống kê đến ngày 18/8.
Trong đó, có 67 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.849,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 61/67 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.
Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 20 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.171,72 MW. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 25/8/2023 đạt hơn 357 triệu kWh; trong đó, riêng ngày 24/6 đạt 7,6 triệu kWh, chiếm khoảng 0,8% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Nam Phi và Trung Quốc ký kết thỏa thuận năng lượng
Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại thành phố Johannesburg, Nam Phi đã ký một loạt thỏa thuận với Trung Quốc vào ngày 23/8 nhằm cải cách ngành năng lượng đang trên đà thất bại, bao gồm cả việc hiện đại hóa nhà máy điện hạt nhân trong nước.
Các thỏa thuận được ký với các công ty điện lực Trung Quốc còn bao gồm việc cải thiện mạng lưới truyền tải và phân phối điện của Nam Phi, quốc gia đang phải trải qua cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng trong nhiều tháng qua.
"Mạng lưới truyền tải điện, công suất phát điện và các nhà máy năng lượng tái tạo của Trung Quốc có quy mô bậc nhất thế giới và được xây dựng trong thời gian ngắn, đó là những gì mà Nam Phi muốn học hỏi", Bộ trưởng Điện lực Nam Phi Kgosientsho Ramokgopa cho biết sau khi ký kết các thỏa thuận. Thực tế, Nam Phi cũng có thể được hưởng lợi từ kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo cũng như khả năng kỹ thuật trong quá trình sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời.
G20 chi hơn 1.000 tỷ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch
Theo Guardian, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow (Anh) cách đây 2 năm, các nhà lãnh đạo G20 cam kết loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch “không hiệu quả”. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Viện Phát triển bền vững quốc tế (IISD), lượng tiền công quỹ đổ vào than, dầu và khí đốt của các nước G20 đạt mức kỷ lục 1.400 tỷ USD năm 2022.
Theo báo cáo, G20 trợ cấp 1.000 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch, 322 tỷ USD đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước và 50 tỷ USD cho các khoản vay từ các tổ chức tài chính công. Đáng chú ý, số tiền này cao hơn gấp đôi so với năm 2019.
IISD cho rằng, bằng cách đặt ra mức thuế carbon cao hơn từ 25-75 USD cho mỗi tấn khí nhà kính, các chính phủ G20 có thể có thêm 1.000 tỷ USD mỗi năm. IISD cũng khuyến nghị bù đắp chi phí cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do nhiên liệu hóa thạch gây ra; đồng thời kêu gọi G20 chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch ở các nước giàu vào năm 2025 và các nước còn lại vào năm 2030.
Ấn Độ khẳng định không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung dầu mỏ của quốc gia nào
Chia sẻ với CNBC hôm 25/8, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết, nước này không quá phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ của bất kỳ quốc gia nào - kể cả Nga, đồng thời khẳng định rằng đất nước của ông đã đa dạng hóa nguồn cung. Bộ trưởng Singh Puri trả lời như trên khi được hỏi liệu đất nước của ông có phụ thuộc vào nhiên liệu của Điện Kremlin hay không.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã tăng tốc nhập khẩu dầu Nga do được chiết khấu cao. Nhờ đó, Nga đã trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu cho Ấn Độ, chiếm khoảng 40% lượng dầu thô nhập khẩu của quốc gia Nam Á.
Khi được hỏi liệu Ấn Độ có được giảm giá 15 hay 30 USD/thùng đối với dầu thô của Nga hay không, ông Puri trả lời: “Chính xác, chúng tôi đã mua được các sản phẩm năng lượng giảm giá. Tuy nhiên, chúng tôi không phải khách hàng duy nhất nhận được ưu đãi này”.
Theo Bộ trưởng Puri, Ấn Độ cũng đã tăng mạnh lượng dầu nhập khẩu từ các nước ở Trung Đông, chẳng hạn như Iraq. “Chúng tôi đang đa dạng nguồn cung nhiên liệu. Chúng tôi từng mua năng lượng từ 27 nguồn, song hiện chúng tôi nhập khẩu dầu từ 39 nguồn” - vị bộ trưởng nói, đồng thời nêu tên các nhà cung cấp từ Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Kuwait trong số đó.
Theo Petrotimes 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302