Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với các điểm cầu tại các Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực khu vực miền Trung và miền Nam. Tham dự trực tiếp Hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ các đơn vị của Bộ Công Thương, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội), Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điều tiết điện lực, các Sở Công Thương của 63 tỉnh/thành phố, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty điện lực của 63 tỉnh/thành phố, các hiệp hội, tổ chức quốc tế, khách hàng sử dụng điện và các thành viên Mạng lưới VESN và Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (ESS). Tên gọi của Hội nghị về Tiết kiệm điện năm 2024 đã thể hiện rất rõ về sứ mệnh, trách nhiệm về kế hoạch hành động của Mạng lưới VESN và các bên liên quan, các bên có tác động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng điện trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao.
Toàn cảnh Hội nghịĐể bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện và không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào, Thủ tướng Chính phủ đã Chỉ đạo “Phải đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, thực chất và có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình quản lý nhu cầu điện, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; phối hợp nghiên cứu thúc đẩy sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Trịnh Quốc Vũ, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Từ đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện trên các chỉ số tăng trưởng ấn tượng về sản xuất và xuất khẩu Quý 1, thì nhu cầu về điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với Quý 1 năm 2023. Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn; trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Đây là các nội dung chính được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị; đồng thời là thông điệp của Hội nghị để qua đó tuyên truyền và lan tỏa kịp thời thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen”, thực hành tiết kiệm điện không chỉ những lúc thiếu điện mà thực hành mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất và hiệu quả nhất để góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững phát biểu khai mạc tại Hội nghịCũng tại Hội nghị, Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh bên cạnh những nỗ lực của ngành điện và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp Tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước thì một giải pháp hiệu quả khác được đánh giá là thiết thực trong những thời điểm thiếu điện hoặc mất cân bằng cung cầu hệ thống điện quốc gia đó là thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) mà cụ thể là các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Thực tế, trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, đồng hành với việc chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thì các Chương trình DSM, đặc biệt là Chương trình DR đã được nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam nghiên cứu và từng bước triển khai hiệu quả. Cụ thể, theo báo cáo của EVN năm 2023, vào các thời gian cao điểm và căng thẳng cung cấp điện, với sự tham gia tự nguyện của hơn 38.0000 lượt khách hàng sử dụng điện, đã có thời điểm tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR là gần 500MW, điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện cũng như giảm tình trạng phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực chia sẻ về chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Ông Nguyễn Thế Hữu chia sẻ thêm “Thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế, có thể khẳng định lại một lợi ích cơ bản của các Chương trình DSM/DR là chi phí để thay đổi, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 01 MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 01 MW công suất nguồn điện bằng việc xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện. Đặt mục tiêu và lợi ích của các Chương trình DSM/DR trong bối cảnh hiện nay cũng như nhìn xa hơn đến năm 2050 của Việt Nam thì có thể đánh giá các Chương trình DSM/DR và các giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả sẽ là các giải pháp bền vững và hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Tiếp nối những phát biểu của Đại diện Lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điều tiết điện lực, đại diện EVN Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh đã có bài trình bày về: (i) Bài học kinh nghiệm về cung cấp điện và tiêu thụ điện hệ thống điện quốc gia năm 2023; (ii) Cập nhật dự báo tăng trưởng nhu cầu điện năm 2024 và các năm tiếp theo; (iii) Triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/02/2024. Bài trình bày của Ông Nguyễn Quốc Dũng như đã thức tỉnh chúng ta cho việc chuẩn bị ổn định an ninh cung cấp điện năm 2024, trên tinh thần nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm sau những khó khăn về cung cấp điện của mùa khô năm 2023 và khắc phục các tồn tại, hạn chế, đại diện EVN đã khẳng định về những quyết tâm mạnh mẽ với tinh thần chủ động, quyết liệt cao nhất của EVN thực hiện điều hành vận hành hệ thống điện đảm bảo cung cấp đủ điện, đồng thời có các phương án ứng phó, kiểm soát với các tình huống cực đoan ngoài dự báo có thể xảy ra; đồng thời EVN sẽ tiếp tục chung tay với Mạng lưới VESN lan tỏa các bài học, hướng dẫn để giúp khách hàng sử dụng điện thực hành tiết kiệm điện một cách hiệu quả hơn.
Điểm mới và điểm đáng ghi nhận trong Hội nghị này là sự ra mắt của của Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (Cộng đồng ESS/Electricicy Saving Solution). Bước sang năm hoạt động thứ 3, Mạng lưới VESN đã được giao thành lập Cộng đồng ESS thuộc Mạng lưới VESN, tại Hội nghị này, đại diện các đơn vị thành viên sáng lập Cộng đồng ESS đã ra mắt. Sự ra đời của ESS như một lời giải cho những thách thức của việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời cũng đánh dấu thêm những điểm sáng, ý nghĩa góp phần hỗ trợ Mạng lưới VESN thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động về đào tạo, tập huấn, tư vấn và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Các thành viên tham gia Lễ ra mắt Cộng đồng ESSNgoài các bài tham luận, các Video trực quan giới thiệu và cung cấp thêm các thông tin hữu ích cho các đại biểu của Mạng lưới VESN, Hội nghị còn có những phiên thảo luận sôi nổi, cởi mở đến từ đại diện Sở Công Thương, các khách hàng sử dụng điện, các nhà cung cấp giải pháp, sản phẩm về tiết kiệm điện. Các phiên trao đổi, tham luận đã đưa ra những thực trạng khó khăn, vướng mắc, các chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất, các đề xuất về giải pháp thực hành tiết kiệm điện từ mặt thực tiễn công nghệ đến các cơ chế chính sách. Nội dung các trao đổi, chia sẻ này là những đóng góp quý báu cho Hội nghị, giúp Mạng lưới VESN có cái nhìn sâu rộng hơn để đưa nhiều nội dung vào kế hoạch hành động năm 2024 và các năm tiếp theo, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn của Mạng lưới VESN và Cộng đồng ESS.
Bà Đỗ Hồng Thanh, Phó Giám đốc ERAVCTED chia sẻ về Thông điệp của Mạng lưới VESN tại Hội nghịHội nghị về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024 là một trong những sự kiện và hoạt động có ý nghĩa lớn, quan trọng để lan tỏa các thông điệp và nhận thức đúng đắn về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Qua những cam kết, sự đồng lòng và ý thức, trách nhiệm cao của các đại biểu tham dự Hội nghị ngày hôm nay và thành viên Mạng lưới VESN, Cộng đồng ESS sẽ tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng vì sự phát triển của đất nước và bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính chúng ta.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghịCục Điều tiết điện lực