Theo Quy hoạch điện VIII, dự án Nhà máy Điện khí LNG Thái Bình có công suất 1.500 MW thuộc danh mục dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030.
Còn tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kết quả lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển đang được Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, khu bến Trà Lý được quy hoạch có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí (cho tàu đến 150.000 tấn) phục vụ Trung tâm Điện khí LNG Thái Bình phù hợp với Quy hoạch tổng thể về năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực.
Kết quả lập Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, khu bến Trà Lý “đến năm 2030 đầu tư bến cảng (kho nổi) hàng lỏng/khí tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn phía ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ Trung tâm Điện khí LNG Thái Bình, năng lực thông qua đến 1,5 triệu tấn”.
So với Quyết định năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải, danh mục bến cảng biển Việt Nam mới công bố được bổ sung 14 cảng dầu khí ngoài khơi thuộc cảng biển Việt Nam. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chủ trương quy hoạch bến cảng (kho nổi) nêu trên như đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình.
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp nội dung đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình trong quá trình chủ trì lập điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Bình để thống nhất các nội dung cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo đáp ứng tiến độ, chất lượng các quy hoạch./.
Theo Petrotimes