Thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi tiếp lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered chiều tối 9/2 nhân chuyến thăm chính thức Singapore. Ông cho biết Việt Nam ưu tiên và khuyến khích phát triển tài chính xanh, bền vững, nhất là thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh. Điều này nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tới 2030, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông cho hay, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), nhưng vấn đề điện năng cần xem xét tổng thể ở 5 khía cạnh, gồm nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp.
Đến cuối 2022, số dự án điện gió, mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió.
Các dự án điện mặt trời, gió vận hành thương mại trước khi giá FIT ưu đãi hết hiệu lực (31/12/2020 và 1/11/2021) được hưởng giá mua khá cao. Với điện mặt trời là 9,35 cent (khoảng 2.200 đồng) một kWh và 7,09-8,38 cent (tầm 1.644-1.943 đồng) một kWh. Điện gió là 8,35-9,8 cent (1.927-2.223 đồng) một kWh.
Số dự án lỡ hẹn phải đàm phán thoả thuận giá bán điện với EVN theo khung giá Bộ Công Thương ban hành. Theo đó, mức giá trần mua điện mặt trời là 1.185-1.508 đồng một kWh; điện gió khoảng 1.587-1.816 đồng một kWh. Mức này thấp hơn giá FIT ưu đãi đưa ra trước đây.
Thủ tướng tiếp lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered chiều tối 9/2 nhân chuyến thăm chính thức Singapore. Ảnh: Nhật Bắc Đầu năm nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia đối tác phát triển. Ông Simon Cooper, Tổng Giám đốc, phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp & định chế tài chính thị trường châu Âu và châu Mỹ (Ngân hàng Standard Chartered,) cho biết nhà băng này muốn hợp tác với Việt Nam trong JETP.
Ông nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là giá điện phù hợp với người dân.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered cung cấp các sản phẩm tài chính cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo cho Việt Nam với lãi suất ưu đãi. Bởi, Việt Nam là một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng phải gánh các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam mong muốn các bên thực hiện thỏa thuận theo tinh thần "nói là làm, cam kết phải thực hiện hiệu quả" vì lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tiếp Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin, Bộ trưởng cao cấp kiêm Bộ trưởng điều phối an ninh quốc gia Singapore Tiêu Chí Hiền cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong được tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam về kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giáo dục đào tạo...
Chủ tịch Quốc hội Singapore đánh giá cao tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam trong phát triển và thúc đẩy triển khai các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, phát triển bền vững.
Còn Bộ trưởng Tiêu Chí Hiền khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, Chính phủ số, kinh tế xanh, tăng cường hiểu biết và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân đang trong chuyến thăm chính thức theo lời mời của Thủ tướng Lý Hiển Long. Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Singapore đạt 8,3 tỷ USD và tăng lên khoảng 9 tỷ USD vào 2022.
Singapore là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Việt Nam. Nước này đứng thứ 2/141 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.095 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 70,8 tỷ USD năm ngoái.
Theo https://vnexpress.net/