Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 04/12/2024 | 15:49 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Giá điện rẻ: Điểm nghẽn trong phát triển điện lực và đổi mới công nghệ

15/10/2023
Giá điện là một trong những điểm nghẽn trong phát triển điện lực ở Việt Nam, điều này cũng cản trở quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.
Giá điện Việt Nam đứng thứ 47/147 quốc gia về độ rẻ
Phát biểu tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Tổng Thư ký Quốc hội – Bùi Văn Cường cho biết: "Hiện giá điện của chúng ta có thể nói là thấp hơn so với trung bình của thế giới. Xếp theo độ rẻ thì Việt Nam đứng thứ 47/147 quốc gia và trong khu vực Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan, Philippines và Indonesia."
Ông Bùi Văn Cường chia sẻ, giá điện thấp cũng có mặt tốt của nó nhưng cũng có mặt không tốt, một số doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách giá điện này để sử dụng trong việc luyện nhôm, luyện thép, như vậy sẽ trợ giá cho các doanh nghiệp nên cần phải cân nhắc kỹ và sớm có cơ chế để xem xét, nghiên cứu đối với giá điện.

Hiện giá điện của Việt Nam xếp thứ 47/147 quốc gia về độ rẻ. Ảnh: Minh họa
Ở khía cạnh khác, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi, có chuyện người tiêu dùng đang phải bù giá cho nhà sản xuất hay không? Có ý kiến chúng ta đang huy động các dự án thâm dụng năng lượng, vậy phải xem những dự án với quy mô và công nghệ như thế trên thế giới sử dụng năng lượng như thế nào? Từ đó mới có thể trả lời được câu hỏi chúng ta đang sử dụng, huy động, thu hút các dự án đầu tư thâm dụng năng lượng của thế giới vào trong nước.
Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát - Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” liên quan đến nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho thấy, hầu hết, UBND cấp tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện các Chương trình hành động 5 năm và hàng năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) với các chỉ tiêu định lượng cụ thể tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 3,4%, tương đương 4,9 triệu TOE trong giai đoạn 1 (2006-2010) và đạt 5,65 %, tương đương 11,3 triệu TOE trong giai đoạn 2 (2011-2015). Nhận thức của cộng đồng về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng đã được nâng lên. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn được từng bước hoàn thiện.
Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.
Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng thấp
Mộ trong những tồn tại được Đoàn Giám sát chỉ ra đó là hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hệ số thu hồi dầu khí chưa cao; hệ số thu hồi than sạch tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhất là trong khai thác hầm lò. Hệ số đàn hồi năng lượng năm 2021 là 1,39, ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới.
Chỉ số cường độ năng lượng cao cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn thấp so với thế giới. Hiện nay việc sử dụng năng lượng còn chưa thực sự quan tâm đến tiết kiệm, hiệu quả. Việc tuân thủ Luật SDNLTK&HQ và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa nghiêm, nhất là các quy định đối với phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện lộ trình năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt.

Nguồn năng lượng sơ cấp về thủy điện đã khai thác tới hạn. Ảnh minh họa
Tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết. Sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ, chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai dán nhãn năng lượng, đầu tư và nghiên cứu phát triển, công cụ tài chính hỗ trợ các dự án sản xuất sản phẩm hiệu suất cao.
Hoàn thiện chính sách giá điện
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025 được Đoàn Giám sát đưa ra đó là:
Tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng…
Đặc biệt, đối với chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh, trong đó, tập trung đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh trong giai đoạn vừa qua, xác định vấn đề còn bất cập, các khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thị trường, bao gồm việc tái cơ cấu ngành điện phục vụ phát triển thị trường điện, tăng cường tính độc lập và năng lực của cơ quan điều tiết thị trường điện và đơn vị vận hành thị trường điện; khẩn trương đẩy nhanh việc hoàn thành các điều kiện để thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện bán buôn và bán lẻ cạnh tranh.
Đồng thời, điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp; sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.
Có cơ chế tách bạch chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích, chi phí xã hội và chi phí quản trị doanh nghiệp hiệu quả đối với giá bán điện; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giá truyền tải điện đảm bảo thu hút đầu tư vào lưới điện truyền tải và theo từng khu vực địa lý; tính toán, xác định khung giá điện khí để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án điện; hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu); đặc biệt ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đoàn Giám sát của Quốc hội kiến nghị điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào. Ảnh minh họa: Thu Hường
Khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, trước hết thúc đẩy cạnh tranh trong khâu nguồn điện (bao gồm thúc đẩy cạnh tranh trong đầu tư nguồn điện mới và cạnh tranh trong vận hành các nguồn điện đã có), xử lý các vướng mắc hiện nay; thể chế hóa cơ chế phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo thông qua khung giá phát điện trừ nguồn điện tự sản, tự tiêu tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đáp ứng mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII; xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí giá điện thấp nhất; ban hành khung giá điện nhập khẩu từ nước láng giềng.
Liên quan đến vướng mắc về cơ chế, chính sách trong xây dựng giá điện, tại Phiên họp, Phó Thủ thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thực tế chúng ta chưa cần sửa Luật Điện lực mà vẫn có thể quy định được giá thị trường của giá điện. Từ nay đến cuối năm chắc chắn phải ban hành được 1 nghị định và khoảng 3 thông tư và điều này hoàn toàn có thể làm được.
Thu Hường

Cùng chuyên mục

Luật Điện lực (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

04/12/2024

Ông Nguyễn Đình Thanh - Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Hóa chất Sơn Hà Nội: Luật Điện lực (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302