Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 18/05/2024 | 10:43 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Hội thảo trao đổi về bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2024

04/05/2024
Ngày 03/05, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội thảo trao đổi về bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề năm 2024. Hội thảo được tổ chức theo hình thức hội nghị truyền hình, do Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chủ trì.
Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Uông Quang Huy; đại diện một số Ban chuyên môn của EVN; lãnh đạo, cán bộ phụ trách kỹ thuật, kinh doanh; lãnh đạo, cán bộ tham gia bồi dưỡng nghề, kiểm tra sát hạch nghề, thi nâng bậc, giữ bậc tại các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chủ trì Hội thảo tại đầu cầu Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, Tập đoàn đã có văn bản số 1095/EVN-TCNS ngày 01/3/2024 về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, trong đó có Quy định bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề ban hành kèm theo Quyết định số 940/QĐ-EVN ngày 26/7/2021 (Quy định 940). Do đó, Tập đoàn tổ chức Hội thảo nhằm trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện Quy định 940 trong thời gian qua, để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng hướng tới mục tiêu đảm bảo công tác này thực chất, không gây áp lực không cần thiết cho người lao động. Đồng thời, thống nhất cách thức tổ chức đào tạo, kiểm tra, sát hạch hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nguồn lực và thời gian cho các đơn vị và người lao động.
Phó Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự Phan Thị Hồng Hạnh cho biết, quy định bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề ban hành kèm theo Quyết định số 940/QĐ-EVN ngày 26/7/2021 thay thế Quyết định số 694/QĐ-EVN ngày 22/7/2016. Thông qua quá trình kiểm tra thực hiện tại một số đơn vị trong toàn Tập đoàn và số liệu báo cáo do các đơn vị gửi về, giai đoạn 2021-2023, công tác bồi dưỡng, kiểm tra sát hạch nghề, thi nâng bậc, thi giữ bậc cơ bản đã được triển khai bài bản, đúng quy định, tại một số đơn vị, nội dung thi phù hợp, đã phản ánh đúng các yêu cầu của công việc được giao cho người lao động.
Đại diện Ban Tổ chức và Nhân sự EVN; đại diện Công đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề cần điều chỉnh, rà soát như tài liệu bồi dưỡng nghề cần cập nhật thông tin công nghệ, thiết bị mới, lỗi thiết bị, hướng dẫn sử dụng các phần mềm vận hành, kinh doanh…, xây dựng đủ kịch bản sự cố đối với khối các nhà máy điện...
Về đề thi an toàn, lý thuyết, ngân hàng câu hỏi còn nhiều, chưa được phân biệt theo vị trí chức danh, bậc thợ, đề thi cần đầu tư để phù hợp với yêu cầu công việc trong đơn vị hơn nữa.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định, Tập đoàn ghi nhận những ý kiến đóng góp của Công đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị tham dự Hội thảo. Dựa trên các ý kiến góp ý, EVN sẽ điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung Quy định 940 trên tinh thần đảm bảo những nguyên tắc cơ bản về đặc thù kỹ thuật cao, quy trình an toàn nghiêm ngặt trong ngành Điện.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các đơn vị thành viên trực thuộc EVN.
Lãnh đạo EVN cũng đề nghị, các Tổng công ty Điện lực trao đổi với cái trường cao đẳng nghề và lực lượng giảng viên nội bộ để hoàn thiện về phần thi lý thuyết.
Về phần thi thực hành, các đơn vị cần tăng cường vai trò của các giảng viên nội bộ trong việc xây dựng bài giảng, đề thi, truyền đạt kiến thức... vì đây là lực lượng gắn bó với công việc hàng ngày và có những kinh nghiệm sát thực tế nhất.
Đặc biệt, lãnh đạo EVN yêu cầu, Ban tổ chức và nhân sự EVN và lãnh đạo các đơn vị cần phối hợp tích cực trong việc bổ sung, sửa đổi Quy định 940 nói chung, việc tổ chức và xây dựng các bộ đề thi khung nói riêng với mục tiêu giảm bớt số lượng câu hỏi; giảm bớt số lượng đề thi; tăng cường các tài liệu cập nhật công nghệ, thiết bị mới, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số trong EVN. Toàn bộ hệ thống lý thuyết cần phải điện tử hóa sớm nhất và được công khai, để người lao động có thể dễ dàng tiếp cận, học tập hàng ngày, hàng giờ.
Theo EVN  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151