Về cơ bản, Hội Dầu khí Việt Nam thống nhất với dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần 2 do Bộ Công Thương soạn thảo. Dự thảo Luật lần này đã được hoàn thiện trên cơ sở thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng và phát triển ngành điện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
VPA cho rằng cần phải xây dựng bộ luật riêng về năng lượng tái tạo.Đồng thời, Dự thảo Luật cho thấy việc đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; trong đó, phân định rõ chức năng quản lý, điều tiết của Nhà nước về điện lực và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kết, đánh giá quy định của Luật Điện lực hiện hành, theo đó trong quá trình xây dựng đã kế thừa, phát triển và hoàn thiện các quy định pháp luật về điện lực, đã và đang phù hợp với thực tế và có tác động tích cực với ngành điện. Đồng thời, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định để giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhằm hoàn thiện Luật Điện lực một cách đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật lần này vẫn còn một số nội dung mang tính quản lý kế hoạch, hành chính chưa có quy định/định hướng theo quy luật thị trường để giải quyết hài hòa các vấn đề phát sinh trong hoạt động điện lực nhằm đảm bảo mục tiêu về an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực điện.
VPA nhấn mạnh: “Và quan trọng hơn cả, Luật sửa đổi phải tạo đủ cơ sở hành lang pháp lý cho các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp/đơn vị và các đối tượng liên quan trong lĩnh vực điện hiện thực hoá mục tiêu trong Quy hoạch điện, Quy hoạch năng lượng quốc gia nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển quốc gia và phát triển bền vững”.
Theo VPA, một số các vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực điện lực hiện nay vẫn khó có thể tháo gỡ theo tinh thần và nội dung của dự thảo Luật. Đơn cử như về phân ngành Năng lượng tái tạo (NLTT), VPA cho rằng: “Dự thảo Luật Điện lực chưa đủ bao trùm cả chuỗi các sản phẩm cuối cùng của NLTT, bao gồm không chỉ là điện năng mà còn các sản phẩm trong chuỗi sạch, xanh và tuần hoàn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và chuỗi sản phẩm của điện gió ngoài khơi. Vì vậy, rất cần thiết phải xây dựng riêng một bộ luật về NLTT và chuỗi sản phẩm của NLTT”.
Theo Petrotimes