Trung Quốc có hệ thống điện quy mô lớn. Theo thống kê, tổng công suất toàn hệ thống năm 2023 là 2920 GW. Tổng sản lượng điện cả nước đạt xấp xỉ 9200 tỷ kWh, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính Trung Quốc tiêu thụ tương đương 30% tổng sản lượng điện toàn thế giới.
Với chính sách đầu tư cho ngành điện được triển khai tập trung kể từ những năm 1990, ngành điện Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển nhảy vọt và duy trì tăng trưởng xấp xỉ từ 7-10%/năm.
Năm 2023, mặc dù giảm so với những năm trước, điện than vẫn có tỷ trọng lớn nhất, tương đương xấp xỉ 39,9% tổng nguồn phát của Trung Quốc, với công suất đạt 1160 GW. Năm 2024, ước tính tổng công suất điện than nước này sẽ tăng thêm khoảng 40 GW, đưa tổng công suất lên mức 1200 GW.
Trong những năm gần đây, điện năng lượng tái tạo của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng liên tục ở mức bình quân 11,4% mỗi năm, trong đó điện gió và điện mặt trời tăng 27,8% năm 2023 so với cùng kỳ.
Trong 2920 GW tổng công suất đặt của toàn hệ thống, có 1260 GW thuộc về năng lượng tái tạo.
Sở hữu đường bờ biển trải dài, Trung Quốc có nhiều tiềm năng phát triển điện gió. Theo các nghiên cứu, tiềm năng công suất điện gió trên đất liền đạt xấp xỉ 2380 GW và ngoài khơi khoảng 200 GW. Chính phủ Trung Quốc đã xác định điện gió là nguồn năng lượng quan trọng cần tập trung phát triển trong thời gian tới. Năm 2023, tổng công suất điện gió nước này đạt 440 GW, dự kiến đạt tổng 510 GW vào năm 2024.
Trung Quốc là quốc gia có lĩnh vực điện mặt trời phát triển nhất thế giới với mức tăng trưởng khoảng 40%/năm. Năm 2013, Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu trong phát triển các dự án điện mặt trời. Từ năm 2015, Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị điện mặt trời lớn nhất toàn cầu. Năm 2023, tổng công suất điện mặt trời tại Trung Quốc đạt 610 GW, năm 2024 dự kiến đạt 780 GW.
Điện hạt nhân ngày càng phát triển, gia tăng cả về công suất và sản lượng, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng điện cả nước. Năm 2023, Trung Quốc sở hữu gần 60 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành với tổng công suất 57 GW, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, có 22 nhà máy đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất thiết kế 24 GW. Ngoài ra, trong tương lai Trung Quốc có kế hoạch xây dựng hơn 70 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 88 GW.
Về tiềm năng ngành điện, quốc gia này có nguồn dự trữ phong phú cho phát điện. Trong đó, dự trữ than đứng thứ 4 thế giới và tiềm năng thủy điện lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho biết Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển than từ vùng Đông Bắc tới các vùng phía Bắc, phía Đông và phía Nam để phục vụ sản xuất điện do chi phí vận tải cao. Tỷ trọng điện than cao, phát thải khí nhà kính lớn gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở các địa phương và khu vực lân cận các nhà máy nhiệt điện than.
Giảm điện than là việc khó thực hiện tại Trung Quốc do quy mô nền kinh tế lớn, nhu cầu năng lượng điện phục vụ sản xuất đa ngành trong nước rất lớn. Theo dữ liệu nghiên cứu, trong những năm gần đây điện than tại Trung Quốc tưởng chừng giảm, nhưng mỗi năm vẫn có nhiều nhà máy điện than mới được cấp phép xây dựng và vận hành. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, cấp phép xây mới các nhà máy điện than được Chính phủ nước này rà soát kỹ lưỡng và có xu hướng hạn chế hơn so với những năm trước đây.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng việc xây dựng các nhà máy điện than vẫn là giải pháp phổ biến ở các địa phương Trung Quốc nhằm đảm bảo cung ứng điện. Phần lớn các tỉnh không muốn phụ thuộc vào các địa phương khác về khía cạnh năng lượng.
Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất của Trung Quốc và nguồn cung cấp điện lớn thứ hai, chỉ sau điện than. Năm 2023, tổng công suất thủy điện của nước này đạt xấp xỉ 1000 GW, tương đương khoảng 34,2% tổng nguồn phát.
Trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, Chính phủ Trung Quốc ưu tiên phát triển lĩnh vực năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng theo hướng tự chủ. Vì vậy, thủy điện cùng các loại hình năng lượng tái tạo trở thành trọng tâm trong chính sách của quốc gia này. Theo tính toán, tiềm năng thủy điện Trung Quốc lên tới 600 GW.
Trên thực tế, các nhà máy thủy điện Trung Quốc được đánh giá có hiệu suất không cao. Tỷ lệ vận hành của nhiều nhà máy chỉ đạt xấp xỉ 30-35% công suất thiết kế. Nguyên nhân được cho là do hậu quả của quá trình xây dựng thần tốc có thể ảnh hưởng tới chất lượng công trình và thiếu nước do những biến động thủy văn. Chuyên gia còn chỉ ra rằng hiệu suất các nhà máy thấp còn vì thiếu mạng lưới truyền tải để kết nối các nhà máy thủy điện ở vùng sâu tới các khu vực tập trung đông dân, nhu cầu tiêu thụ cao.
Chính phủ Trung Quốc cũng có chủ trương thúc đẩy điện hạt nhân thông qua các chiến lược và kế hoạch cụ thể. Trong tương lai, điện hạt nhân có thể trở thành xương sống của ngành năng lượng Trung Quốc. Các nhà máy dự kiến sẽ được xây dựng phân bố dọc theo chiều dài đường bờ biển. Từ nay đến năm 2030, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 200 GW, bao gồm cả các nhà máy có lò phản ứng hiệu suất cao. Mục tiêu của Chính phủ nước này là đạt được công suất điện hạt nhân 1500 GW vào những năm cuối thế kỷ.
Năm 2023, điện khí Trung Quốc đạt sản lượng 300000 GWh. Lượng khí đốt nước này nhập khẩu và tiêu thụ đứng hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, sản lượng khí đốt sản xuất trong nước tăng đáng kể, đạt từ 230-240 tỷ m3/năm với mức tăng khoảng 10 tỷ m3/năm. Mỗi năm, Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu từ 160 đến 170 tỷ m3 khí đốt tự nhiên, trong đó khí hóa lỏng LNG chiếm tỷ lệ lớn. Với khối lượng nhập khẩu như vậy, quốc gia này trở thành đối tác quan trọng, có ảnh hưởng lớn trên thị trường khí đốt toàn cầu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phát triển điện sinh khối, địa nhiệt, điện rác và từ các nguồn năng lượng tái tạo khác. Kể từ năm 2006, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối đã đạt kết quả tích cực, tăng cả về công suất, sản lượng và số lượng các dự án đầu tư. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 1400 dự án đầu tư điện sinh khối với quy mô đa dạng. Mỗi năm, ước tính Trung Quốc có thêm từ 6500 đến 7000 MW công suất điện sinh khối mới và duy trì xu hướng tăng trưởng theo thời gian.
Có thể nói rằng, cơ cấu năng lượng của Trung Quốc phong phú và đa dạng, hệ thống điện có quy mô lớn do lãnh thổ rộng, dân số đông, nhu cầu tiêu thụ điện cao. Mặc dù là quốc gia đi đầu ở nhiều khía cạnh, trên thực tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những khó khăn chung của ngành điện toàn cầu, trong đó có những vấn đề khó có thể giải quyết ngay trong thời gian một sớm, một chiều.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: Global Energy Monitor/
https://www.spglobal.com/
https://www.iea.org/)