Ảnh minh họa: Báo Đảng Cộng sản. Thực hiện Quyết định số 55 ngày 16/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 543 ngày 18/3/2024 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch nhằm mục đích xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển ngành than thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Đây là cơ sở để các đơn vị thuộc Bộ Công Thương rà soát, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngành than phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành than, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và điều chỉnh mục tiêu của chiến lược (nếu cần thiết) để phù hợp với thực tế mỗi giai đoạn.
Về nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch, Bộ Công Thương giao Vụ Khoa học và Công nghệ tăng cường nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật trong thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, pha trộn và sử dụng than, quản trị tài nguyên than, quản trị môi trường, quản lý kỹ thuật an toàn và điều hành sản xuất than (đặc biệt là công nghệ đào chống lò, khai thác than dưới mức -300m Bể than Đông Bắc; công nghệ thăm dò, khai thác Bể than sông Hồng) phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Giao Vụ Dầu khí và Than chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng than rà soát, hoàn thiện các quy định về dự trữ than với chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; trong đó có tính đến dự phòng để ứng phó với những trường hợp rủi ro trong việc nhập khẩu than, biến động cực đoan của thời tiết.
Đơn vị này cũng cần nghiên cứu các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, tiến tới xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá than minh bạch do thị trường quyết định. Nhiệm vụ khác nữa là chỉ đạo tập trung hóa sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ, doanh nghiệp sản xuất than để tạo ra các mỏ có quy mô sản lượng lớn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương giao các đơn vị thúc đẩy việc đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi công bằng cho ngành than phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.
Giao Vụ Khoa học công nghệ nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu giữ và và sử dụng khí mỏ phát sinh trong quá trình sản xuất, sử dụng than.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có nhiệm vụ nghiên cứu chuyển đổi công nghệ đốt than sang đốt kèm than với nhiên liệu sinh khối, amoniac,... để hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao các đơn vị phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể trong thực hiện kế hoạch này; kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao, gửi Vụ Dầu khí và Than để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chiến lược ngành than khi có yêu cầu.
Tại Quyết định số 55/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành ngày 17/1/2024 đặt ra mục tiêu, phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45-50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031-2045 (đạt khoảng 38-40 triệu tấn vào năm 2045).
Việt Nam cũng đặt mục tiêu tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò bể than sông Hồng đến năm 2030. Nếu thử nghiệm thành công, sẽ đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm trước năm 2040.