Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia là cơ quan đưa ra các chính sách mới của Trung Quốc, trong đó có các cải cách sâu rộng về giá điện, thị trường điện. Ngày 8/11/2023, Ủy ban đã ra thông báo số 1501 (2023) về xây dựng giá công suất điện than. Bắt đầu từ ngày 1/1/2024 điện than sẽ thực hiện chính sách giá điện “hai thành phần” (bao gồm giá công suất và giá điện năng).
Nguyên nhân của sự chuyển đổi:
Lý do được đưa ra là hiện tại các nhà máy điện than bán điện lên lưới theo cơ chế một giá - tức là nếu không đưa lên lưới kWh nào thì nhà đầu tư sẽ không nhận được doanh thu. Chi phí vận hành điện than bao gồm các chi phí cố định (như khấu hao, chi phí nhân công, chi phí sửa chữa, chi phí tài chính) và các chi phí biến đổi (như chi phí mua than và vật tư).
Do quá trình chuyển dịch năng lượng, điện than đã phải nhường cho điện năng lượng tái tạo (NLTT) phát và luôn phải trực sẵn để bù đắp cho sự không ổn định của điện NLTT. Theo thống kê: Số giờ phát điện hàng năm của các nhà máy điện than đã giảm từ hơn 5.000 giờ vào năm 2015 xuống còn 4.300 giờ vào năm 2022 và vẫn đang tiếp tục giảm, vì công suất lắp đặt của điện NLTT (bao gồm cả thủy điện) đã vượt công suất điện than.
Thị trường điện đã trưởng thành, nên cần thực hiện hệ thống giá điện hai thành phần - tức là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy, còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi. Dù cho NLTT phát triển mạnh theo định hướng chuyển đổi xanh và carbon thấp thì vẫn không thay đổi bản chất không ổn định, cần có các tổ máy điện than bảo vệ dự phòng - tức là nhiệt điện cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay cả khi không phát điện, hoặc phát điện dưới công suất tối ưu.
Các công ty điện than ở Trung Quốc trong năm 2021 đã bị lỗ 120,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 16,7 tỷ USD). Dù hai năm qua đã có chính sách cải cách, nhưng trong nửa đầu năm 2023 các công ty điện than vẫn lỗ hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,39 tỷ USD). Tỷ lệ nợ vượt quá cao so với vốn sở hữu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp điện than và từ đó đe dọa việc cung cấp điện an toàn, ổn định.
Trong tương lai, số giờ phát điện sẽ còn giảm nhiều hơn nữa và chi phí cố định không thể thu hồi được (nếu chỉ tính giá điện theo điện năng).
Điện than là nguồn năng lượng hỗ trợ và điều tiết quan trọng nhất của Trung Quốc, với công suất đặt điện than đến tháng 9/2023 là 1.150 GW trong tổng số 2.790 GW công suất đặt của hệ thống điện. Việc đưa giá công suất vào sẽ ổn định kỳ vọng của ngành điện than nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và năng lượng carbon thấp.
Cách tính giá công suất điện than:
Cơ chế giá công suất điện than áp dụng đối với các đơn vị điện than phục vụ công cộng đang vận hành và tuân thủ quy định. Các nhà máy điện than tự quản, các đơn vị điện than không tuân thủ quy hoạch quốc gia, các đơn vị điện than không tuân thủ quy hoạch, hay không đáp ứng yêu cầu quốc gia về tiêu thụ năng lượng, bảo vệ môi trường và khả năng điều chỉnh linh hoạt sẽ không được thực hiện cơ chế giá công suất.
Thông báo 1501 làm rõ giá công suất điện than được xác định trên cơ sở chi phí cố định của các nhà máy điện than dùng để tính giá điện công suất phải tuân theo tiêu chuẩn quốc gia thống nhất là 330 nhân dân tệ mỗi kilowatt mỗi năm. Tỷ lệ chi phí cố định được thu hồi thông qua giá điện công suất ở mỗi tỉnh được xác định bằng cách xem xét toàn diện nhu cầu của hệ thống điện địa phương, mức độ chuyển đổi chức năng điện than (sang hỗ trợ lưới điện) và các yếu tố khác... Từ năm 2024 đến năm 2025, con số này ở hầu hết các tỉnh sẽ là khoảng 30% và một số nơi mà chức năng điện than đang chuyển đổi nhanh chóng sẽ cao hơn (khoảng 50% của 330 nhân dân tệ). Bắt đầu từ năm 2026, tỷ lệ chi phí cố định được thu hồi thông qua giá điện công suất ở các khu vực sẽ tăng lên không dưới 50% của tiêu chuẩn quốc gia 330 nhân dân tệ/kW/năm.
Như vậy, các tỉnh sẽ áp giá công suất từ 100 đến 165 nhân dân tệ mỗi kilowatt mỗi năm (tùy theo tỷ lệ NLTT của mỗi địa phương và nhu cầu sử dụng điện than). Đa số các tỉnh sẽ bắt đầu với 100 nhân dân tệ/kW/năm (340.000 VNĐ). Có 7 tỉnh sẽ áp dụng luôn mức 165 nhân dân tệ/kW/năm (561.000 VNĐ) vì quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh chóng và nhu cầu hỗ trợ của các tổ máy điện than cao hơn các tỉnh khác.
Chi phí cố định chuẩn 330 nhân dân tệ 1 kW/năm cao hơn một chút so với chi phí của những nhà máy hiện đại có công suất 1.000 MW trở lên. Việc đặt ra chi phí chuẩn cũng nhằm khuyến khích các nhà máy điện than giảm chi phí xây dựng và vận hành nhờ áp dụng những công nghệ mới.
Đi kèm với giá điện công suất là cơ chế xử phạt tương ứng. Trong điều kiện vận hành bình thường, nếu nhà máy điện than không cung cấp sản lượng tối đa đã công bố theo chỉ thị điều độ 2 lần trong vòng 1 tháng sẽ bị khấu trừ 10% giá trị công suất phát điện của tháng. Còn nếu vi phạm 3 lần sẽ bị khấu trừ 50% và 4 lần trở lên sẽ khấu trừ 100%.
Nói cách khác, thu nhập từ công suất và giá điện của các nhà máy điện than phụ thuộc vào việc họ có hoàn thành được nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện đủ chất lượng và số lượng hay không, cơ chế này sẽ giúp họ đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Bảng giá công suất áp dụng từ ngày 1/1/2024 cho nhiệt điện than tại các địa phương ở Trung Quốc.Ai trả tiền cho chi phí công suất?
Các khách hàng công nghiệp và thương mại sẽ phải chịu chi phí công suất trả cho các nhà máy điện than. Khách hàng sinh hoạt và nông nghiệp vẫn được tính tiền điện theo cách và giá hiện hành.
Tiền điện cho công suất điện than ở các tỉnh được tính vào chi phí vận hành hệ thống và được người sử dụng công nghiệp, thương mại phân bổ hàng tháng theo tỷ lệ tiêu thụ điện trong tháng đó và được các doanh nghiệp lưới điện thông báo hàng tháng và thu hàng tháng.
Ngoài ra, đối với các nhà máy nhiệt điện than liên tỉnh, liên vùng nằm trong cân bằng điện của tỉnh tiếp nhận, bên gửi và bên nhận cần ký hợp đồng trung, dài hạn hàng năm trở lên để làm rõ tỷ lệ chia sẻ phí công suất điện và trách nhiệm thực hiện.
Khách hàng công nghiệp và thương mại ở Trung Quốc đã phải trả giá dịch vụ cố định hàng tháng dựa theo công suất trạm biến áp của họ. Ngoài ra, họ phải ký hợp đồng tiêu thụ điện và chịu phạt nếu sử dụng vượt, hay thấp hơn công suất đã ký. Do đó, việc tính giá công suất mới vào giá điện sẽ không tạo ra thay đổi lớn.
Trước mắt, giá điện có thể tăng một chút với khách hàng công nghiệp và thương mại. Nhưng về lâu dài, nhờ hệ thống điện ổn định, minh bạch tạo ra cơ chế cạnh tranh giữa các nguồn điện, thúc đẩy tăng trưởng các nguồn năng lượng mới nên sẽ có tác động tích cực đến chi phí điện của người dùng cuối./.
Đào Nhật Đình
Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam