Ngày 22-5, tại TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), được sự ủy quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã có buổi làm việc với Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) để đàm phán, thương thảo chi tiết về hợp đồng mua bán điện giữa EVN với Công ty lưới điện Quảng Tây.
Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc sẽ cấp điện cho phía Việt Nam với tổng công suất tối đa là 70MW và 30 triệu kWh/tháng, trước mắt là trong các tháng 5,6,7-2023. Điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp điện cho trạm 110kV khu vực tỉnh Quảng Ninh (TP Móng Cái và huyện Hải Hà). Sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp. Qua đó góp phần giảm khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc.
Đại diện EVNNPC làm việc với phía Trung Quốc về mua bán điện. Ảnh: Báo Quảng NinhEVNNPC cho biết, sau khi đàm phán thống nhất các thỏa thuận, trong ngày 23-5, hai bên tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện và dự kiến 0h00’ ngày 24-5, sẽ chính thức đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái.
Từ những thông tin trên, nhiều người đặt vấn đề vì sao Việt Nam phải nhập khẩu điện?
Chia sẻ tại hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc, ngày 22-5, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, thời gian qua, các nhà máy thuỷ điện suy giảm công suất vì thiếu nước.
Tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Tần suất nước về các hồ thấp nhất trong 100 năm qua. Điều đó dẫn đến 18/47 hồ thuỷ điện đang ở mực nước chết hoặc cận chết. Có 20 hồ thuỷ điện có dung tích dưới 20%. Tính đến ngày 21-5, sản lượng còn lại trong các hồ thuỷ điện chỉ có 29 tỉ kWh, thấp hơn 1,7 tỉ kWh so với kế hoạch năm.
Công ty Điện lực Quảng Ninh kiểm tra xử lý khiếm khuyết trên đoạn đường dây 110kV Thâm Câu-Móng Cái phần do Việt Nam quản lý. Ảnh: Báo Quảng NinhLãnh đạo EVN cũng cho hay, nguồn điện từ thuỷ điện suy giảm đòi hỏi phải huy động thêm điện từ các nguồn khác như nhiệt điện, điện khí…Thế nhưng công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.
Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), tuy có công suất lắp đặt lớn nhưng với bản chất là tuỳ thuộc vào nắng gió nên công suất phát điện khả dụng không nhiều. Khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Tất cả những yếu tố trên cùng cộng hưởng làm cho công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện nhiều thời điểm thấp hơn nhu cầu điện.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí… “Chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng hệ thống điện không còn dự phòng. Do vậy, để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn điện, kể cả các nguồn chạy dầu đắt đỏ hay nhập khẩu điện” - Ông Nhân nói.
Trao đổi với PLO, nhiều chuyên gia năng lượng cho biết, việc xuất nhập khẩu điện giữa các nước hết sức bình thường và nằm trong kế hoạch nguồn điện dự phòng của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước có chung biên giới, thuận tiện trong việc đấu nối lưới điện.
Việt Nam nhập khẩu điện từ Trung Quốc cách đây nhiều năm. Mới đây chúng ta đàm phán nhập điện từ Lào, thông qua việc hai nước đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải 220kV Nậm Mô (Lào) – Tương Dương (Nghệ An, Việt Nam), trước đó là đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2 (Gia Lai).
Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Lào, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nhập khẩu nguồn điện từ Lào khoảng 3.000 MW và đến năm 2030 lên tới 5.000 MW. Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án, cụm dự án nhập khẩu điện từ Lào, với tổng công suất 2.689 MW.
Hiện nay, các nhà máy thủy điện của Lào gồm thủy điện Nậm Kông 2 (66MW) và Nậm Kông 3 (54MW) đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Ngày 15-5-2023, cả hai nhà máy đã hoàn thành hòa lưới điện và đang thực hiện các hạng mục thử nghiệm trên lưới điện Việt Nam. Dự kiến cả hai nhà máy này sẽ vận hành thương mại trong tháng 5-2023, bổ sung nguồn điện cho Việt Nam trong mùa nắng nóng. Tương tự, Việt Nam cũng đã xuất khẩu điện qua Campuchia.
Năm 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng có báo cáo kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, báo cáo nêu rõ, ngành điện đã đa dạng hóa các hình thức điện nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất khoảng 572 MW, từ Trung Quốc với công suất trên 450 MW. Tổng công suất nhập khẩu chiếm gần 2% tổng công suất của toàn hệ thống điện.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giá mua điện bình quân từ Trung Quốc thời điểm đó là 1.281 đồng/kWh, Lào là 1.368 đồng/kWh, đều rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước (1.486 đồng/kWh).
Thông tin cập nhật từ EVN, giá mua điện bình quân các loại hình nguồn điện trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.844,9 đồng/kWh. Cụ thể, giá mua của thủy điện 1.128 đồng/kWh, điện than 2.100 đồng/kWh, điện gió 2.086 đồng/kWh, điện mặt trời 2.046 đồng/kWh. Nếu cộng thêm các chi phí khác như phân phối, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, điều độ..., giá điện mua vào sẽ cao hơn giá bán ra.
Theo Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh