Chiều nay (18/10), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra, thị sát số dự án năng lượng tái tạo.
Tháp tùng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đi thị sát có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nghe lãnh đạo các cơ quan chức năng báo cáo về lộ trình bay thị sát các dự án năng lượng tái tạo tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận -Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Sử lý dụng phương tiện là máy bay trực thăng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đi thị sát một số dự án năng lượng tái tạo là các nhà máy, dự án điện gió, điện mặt trời thuộc địa bàn của 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Sau chuyến thị sát, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình sẽ chủ trì Hội nghị cùng với lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương về tình hình sản xuất, tiêu thụ, triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương; chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Tháp tùng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đi thị sát có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: VGP
Theo báo cáo của UBND Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án điện mặt trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch, với tổng quy mô công suất gồm 160 MW và 400,9 MWp. Các dự án này đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành thương mại, khai thác tối ưu công suất, tạo ra sản lượng điện đóng góp vào lưới điện quốc gia trong năm 2021.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3.093 hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện với Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa, với tổng công suất lắp đặt 288,7 MWp. Các dự án năng lượng tái tạo đã đóng góp tích cực trong đảm bảo ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực lan tỏa để phát triển các ngành khác, phát huy hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đối với diện tích đất khô cằn; làm giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao đổi với các thành viên đoàn công tác - Ảnh: VGP
Thông tin tới Báo Công Thương, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất là 667 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Trong số này, 10 dự án và 24 MW của nhà máy điện gió Habaram đủ điều kiện được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về việc cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió của Thủ tướng Chính phủ. 93 MW còn lại của nhà máy điện gió Habaram được đàm phán theo khung giá điện của Quyết định 21/QĐ-BCT khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương.
Đối với các dự án điện mặt trời tập trung, tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn của tỉnh có tổng số 35 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 2.466 MW, đã đưa vào vận hành thương mại. Trong số này, 32 dự án có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 nên được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và 3 nhà máy đàm phán theo Quyết định 21/QĐ-BCT khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương.
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành Trung ương đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Chuyến thị sát của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhằm đánh giá và đưa ra các chỉ đạo góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - Ảnh: VGP
Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ninh Thuận ngày 14/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ tỉnh Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những Trung tâm công nghiệp, dịch vụ, năng lượng tái tạo của cả nước bởi Ninh Thuận hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi hơn bất kể một địa phương nào trong khu vực, cũng như cả nước. Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình lên Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đã được cấp có thẩm quyền cho phép thảo luận, thông qua trong một kỳ họp. Theo đó, tất cả những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực tiễn vận hành Luật Điện lực hiện nay đều được đề cập trong Luật Điện lực (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua.