Chiều 17/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức Hội thảo “Lưới điện thông minh và Vận hành lưới điện”.
Hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Liên minh Năng lượng Thụy Điển -Việt Nam, một sáng kiến do nhóm Thụy Điển phát triển nhằm tạo điều kiện trao đổi kiến thức và hợp tác giữa các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Các doanh nghiệp Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo “Lưới điện thông minh và Vận hành lưới điện”. Tại hội thảo, các doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển như Hitachi Energy, Westermo, và Ellevio chia sẻ các chiến lược để cải thiện hiệu quả lưới điện và tích hợp năng lượng tái tạo. Đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNHANOI cũng chia sẻ về công tác quản lý lưới điện hiện tại và các kế hoạch trong tương lai.
Trong bài phát biểu khai mạc, ngài Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, những gì Thụy Điển cung cấp là các giải pháp đổi mới, thông minh và bền vững. Các Công ty Thụy Điển đi đầu trên toàn thế giới khi nói đến quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng điện và lưới điện ổn định là điều cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và sự hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam có thể đảm bảo một tương lai năng lượng bền vững.
Ngài Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Những năm gần đây, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Với nhu cầu điện năng ngày càng tăng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa hệ thống lưới điện, nâng cao hiệu suất vận hành, và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia.
Về qui mô nguồn điện: tính đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam là 80,555 MW. Trong đó thủy điện chiếm 28%, than chiếm 33%, khí chiếm 9%, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 27%.
Một trong những trọng tâm chính của Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, nhằm gia tăng tỷ trọng năng lượng xanh trong cơ cấu sản xuất điện. Những giải pháp này không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng mà còn là động lực để quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, những kinh nghiệm và công nghệ hiện đại được chuyên gia Thụy Điển chia sẻ mang lại nhiều giá trị cho ngành năng lượng Việt Nam.Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức, bao gồm việc duy trì an ninh năng lượng trong dài hạn, giảm thiểu tác động đến môi trường, và đảm bảo sự phát triển bền vững. Hiện tại đã xuất hiện quá tải lưới truyền tải vào một số thời điểm và tại một số khu vực nơi tập trung nhiều dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn.
Trong thời gian tới, dự kiến năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được tạo điều kiện để phát triển, đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp nhằm duy trì vận hành ổn định và an toàn hệ thống điện.
Trong khi đó, Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng sạch và công nghệ lưới điện thông minh. Với tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm tới gần 70% tổng sản lượng điện quốc gia, Thụy Điển đã chứng tỏ rằng công nghệ hiện đại, cùng với các chính sách phát triển bền vững, có thể mang lại hiệu quả lớn cho cả nền kinh tế và môi trường.
Sự hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từ việc chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành lưới điện, quản lý năng lượng tái tạo, đến các giải pháp số hóa và hiện đại hóa hạ tầng điện lực.
Chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Liên minh Năng lượng Thụy Điển - Việt Nam là minh chứng cho cam kết chung của cả hai quốc gia trong việc tăng cường hợp tác và ứng dụng các giải pháp tiên tiến trong ngành năng lượng. Thông qua các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, không chỉ tạo ra các cơ hội mới cho ngành điện lực Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, với những kinh nghiệm quý báu và các công nghệ hiện đại được chia sẻ từ các chuyên gia Thụy Điển sẽ mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho quá trình chuyển đổi và phát triển ngành năng lượng Việt Nam.
Theo Báo Công Thương