Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 04/12/2024 | 17:25 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Doanh nghiệp điện trước kỳ vọng cải thiện lợi nhuận

11/05/2023
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành điện quý I/2023 tiêu cực thì việc tăng giá điện được cho là sẽ hỗ trợ nhiều cho tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành điện quý I/2023 tiêu cực, nhiều doanh nghiệp giảm lãi, thậm chí thua lỗ thì việc tăng giá điện được cho là sẽ hỗ trợ nhiều cho tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đảm bảo dòng tiền thanh toán cho nhà máy cũng như có dư địa để huy động từ nguồn điện giá cao hơn.

Công nhân Điện lực Ninh Bình lắp đặt công tơ điện tử. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Thực tế, sản lượng điện toàn quốc giảm trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp giảm sút trong quý I/2023. EVN cho biết, sản lượng điện toàn quốc trong quý I/2023 đạt 61,83 tỷ kWh, giảm 1,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu điện nhóm ngành công nghiệp giảm.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam quý I/2023 ghi nhận mức tăng trưởng âm 6,3% so với cùng kỳ; trong đó, nhiều nhóm ngành thâm dụng điện như thép giảm 2,4% so với cùng kỳ và xi măng giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh hoạt động xây dựng giảm sút khi thị trường bất động sản nhà ở đóng băng cũng như những chậm trễ trong việc giải ngân đầu tư công. Do đó, nhu cầu điện thấp ảnh hưởng lên mức giảm sản lượng của hầu hết các nguồn điện.
Trong tháng 3/2023, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra tình hình sản xuất và giá thành điện 2021-2022 của EVN. Theo đó, giá thành sản xuất điện đạt 1.859 đồng/kWh, tăng 1,84% so với cùng kỳ trong 2021 và 2.032 đồng/kWh, tăng 9,27% so với cùng kỳ trong năm 2022, cao hơn mức giá bán bình quân năm 2021-2022 lần lượt là 1.855,6 đồng/kWh và 1.882 đồng/kWh.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, các giải pháp vẫn chưa đủ để bù đắp cho mức tăng rất cao của giá đầu vào như than nhập khẩu, giá khí và giá dầu.
Theo báo cáo đánh giá hoạt động kinh doanh, EVN ghi nhận khoản lỗ ròng 26.235 tỷ đồng trong năm 2022 và tình hình vẫn chưa được cải thiện khi bước sang năm 2023.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) nhận thấy sự mất cân đối giữa giá đầu vào và đầu ra là nguyên do chính khiến EVN lỗ nặng. Giá đầu vào tăng kéo giá mua điện bình quân tăng mạnh, cùng với việc tỉ trọng công suất năng lượng tái tạo – nguồn điện giá cao tăng mạnh từ 2020.
Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% so với giá hiện hành (1.864,44 đồng/kWh).
Chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ông Nguyễn Hà Đức Tùng nhận thấy việc tăng giá điện sẽ hỗ trợ nhiều cho tình hình tài chính của EVN, đảm bảo dòng tiền thanh toán cho nhà máy cũng như có dư địa để huy động từ nguồn điện giá cao hơn.
Trước đó, giá bán lẻ điện đã giữ nguyên 4 năm liên tiếp tính từ 2019 và chỉ có thủy điện vẫn còn giá thành huy động thấp hơn giá bán lẻ, mặc dù nguồn điện này chỉ chiếm 33% tổng công suất tính đến hết 2022; 67% công suất còn lại đến từ các nguồn giá cao như nhiệt điện và năng lượng tái tạo.
VNDIRECT cho biết trong quý I, điện than ghi nhận sự cải thiện từ mức thấp trong nửa cuối 2022, chiếm 45% tổng sản lượng điện, hỗ trợ bởi giá than nhập hạ nhiệt từ tháng 2 năm 2023. Tỷ trọng sản lượng điện khí ổn định, chiếm 12% tổng sản lượng điện phát.
Thủy điện cũng ghi nhận mức sản lượng giảm nhẹ và chiếm tỉ trọng tương đương năm ngoái, đạt 25% tổng sản lượng, thông thường giai đoạn quý I là thời gian các nhà máy thủy điện mục tiêu tích nước để phục vụ cho mùa khô và các đợt nắng nóng.

Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam. Ảnh: TTXVN
Điện mặt trời ghi nhận mức cắt giảm công suất mạnh trong bối cảnh nhu cầu điện yếu tại miền Nam trong khi công suất nguồn đang dư thừa.
Ngược lại, điện gió đóng góp mức sản lượng tích cực nhờ mùa gió tốt, hỗ trợ tỉ trọng nhóm điện năng lượng tái tạo tăng 5 điểm phần trăm, đạt 17% tổng sản lượng.
Chuyên gia phân tích Nguyễn Hà Đức Tùng cho rằng, nhiệt điện sẽ hưởng lợi với sản lượng huy động tích cực hơn nhờ sự yếu đi của thủy điện trong 2023.
Về phát triển công suất nguồn 2023, điện than dự kiến sẽ tăng tỉ trọng lên 34% nhờ sự bổ sung của 2.632 MW đi vào vận hành, theo sau là thủy điện, chiếm 29% tổng công suất với 1.636 MW nguồn bổ sung. Công suất suất các nguồn điện khác không thay đổi nhiều và chỉ có năng lượng tái tạo ghi nhận các dự án chuyển tiếp nhưng chưa rõ ngày đi vào vận hành.
Về huy động sản lượng, VNDIRECT dự báo sản lượng thủy điện giảm mạnh trong 2023 do điều kiện thời tiết không thuận lợi và phục hồi từ 2024. Nhiệt điện than sẽ tiếp tục ghi nhận tỷ trọng huy động thấp, chủ yếu do các nhà máy điện than trộn và nhập khẩu được huy động ít hơn.
Nhiệt điện khí có thể sẽ ghi nhận tình trạng huy động tích cực hơn với 12% tổng tỷ trọng nhờ thủy điện thoái trào và giá khí đầu vào hạ nhiệt. Sản lượng điện năng lượng tái tạo dự kiến tăng nhờ 2.000MW dự án chuyển tiếp bổ sung.
Ông Nguyễn Hà Đức Tùng dự báo trong 2023, mức tăng trưởng sản lượng điện đạt 6% so với cùng kỳ, thấp hơn 28% so với dự báo Quy hoạch điện VIII do nhu cầu điện mảng xây dựng dự kiến giảm sút vì những khó khăn của thị trường bất động sản nhà ở.Những ngành công nghiệp sản xuất như sắt thép, xi măng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Dù vậy, VNDIRECT nhận thấy một mùa hè nóng bức hơn sẽ kéo nhu cầu điện nhóm tiêu dùng dân cư, bù đắp một phần cho sự sụt giảm mảng công nghiệp – xây dựng.
Thực tế, nhu cầu điện nhóm ngành công nghiệp giảm trong khi giá vốn cao khiến doanh thu và lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp điện đi xuống, thậm chí lỗ nặng.
Có thể kể đến trường hợp của CTCP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc (Nedi 2 - mã ND2). Doanh thu quý I của doanh nghiệp này giảm hơn 56% so với quý cùng kỳ năm ngoái, còn gần 38 tỷ đồng. Nedi 2 lỗ sau thuế 18,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 28,9 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, CTCP Thủy điện Bắc Hà (BHA) cũng lỗ sau thuế hơn 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi hơn 1,2 tỷ đồng.
CTCP Thủy điện Nậm Mu (mã chứng khoán: HJS) có doanh thu giảm 24%, xuống 28,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm gần 53%, còn 7,9 tỷ. CTCP Thủy điện Sông Vàng (SVH) cũng có lãi sau thuế sụt giảm gần 22%, đạt gần 9 tỷ đồng.
Các công ty như CTCP Thủy điện Sê San 4A (mã chứng khoán: S4A), CTCP Thủy điện - Điện lực 3 (mã chứng khoán: DRL), CTCP Thủy điện Hương Sơn (mã chứng khoán: GSM) cũng đều có lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Với doanh nghiệp nhiệt điện, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) có lãi sau thuế đạt hơn 10 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ. CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) có lãi sau thuế quý I đạt gần 40 tỷ đồng, bằng một nửa so với quý cùng kỳ năm ngoái
Ở nhóm điện khí, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power – mã chứng khoán: POW) ước tính quý I có lợi nhuận trước thuế giảm 34%, còn gần 579 tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng ngành điện năm 2023, VNDIRECT dự báo điện khí và điện than nội địa sẽ được hưởng lợi trong 2023 trong bối cảnh thủy điện suy yếu. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cho rằng, định hướng phát triển năng lượng tái tạo đang rõ ràng hơn, ưu tiên cơ chế DPPA (cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến trực tiếp người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải quốc gia), tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn đang chậm trễ. VNDIRECT cũng nhận thấy sự phục hồi của điện khí và những kỳ vọng về tương lai phát triển năng lượng tái tạo./.
Theo Trang thông tin điện tử Kinh tế của TTXVN.

Cùng chuyên mục

Luật Điện lực (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

04/12/2024

Ông Nguyễn Đình Thanh - Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Hóa chất Sơn Hà Nội: Luật Điện lực (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302