Kiểm tra kỹ thuật trước khi đóng điện vận hành Trạm biến áp 110kV Suối Tre, thành phố Long Khánh, tháng 8-2024. Ảnh:H.Lộc
Với khoảng 15 tỷ kWh/năm, Đồng Nai là một trong 4 địa phương sử dụng điện nhiều nhất cả nước. Trong cơ cấu sử dụng điện của tỉnh, khoảng 70% sản lượng thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Do đó, TKĐ trong lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng, giảm nguy cơ thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.
TKĐ vừa là quy định của pháp luật, cũng là đòi hỏi tất yếu của thương mại toàn cầu.
Điện công nghiệp - xây dựng chiếm 70% sản lượng
Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Tính đến tháng 8-2024, tỉnh có 31 khu công nghiệp hoạt động. Trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài xây dựng các nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, nhu cầu sử dụng điện rất lớn.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, năm 2023, Đồng Nai sử dụng hơn 14,8 tỷ kWh điện, đứng thứ 4 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Dương). Trong cơ cấu sử dụng điện của tỉnh, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 70% tổng sản lượng. Đây cũng là lĩnh vực có tăng trưởng về điện hàng năm cao.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG cho hay, thời gian qua, tỉnh bám sát các văn bản chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thực hiện TKĐ. Kết quả 2 năm gần đây, TKĐ của tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, TKĐ không phải là khuyến khích nữa, mà là quy định của pháp luật. Thời gian tới, tỉnh tăng cường tuyên truyền, tập huấn giải pháp và hướng dẫn DN thực thi TKĐ.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc cho biết, công ty hiện cung cấp điện cho hơn 971 ngàn khách hàng, trong đó khách hàng công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm khoảng 1,7% số lượng nhưng chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 27-9-2023 của UBND tỉnh về tăng cường TKĐ giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, công ty đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, thành lập ban chỉ đạo TKĐ và đảm bảo cung ứng điện tại công ty và tất cả các điện lực; giám đốc công ty, đơn vị làm trưởng ban. Hàng năm, công ty căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện các giải pháp TKĐ theo từng lĩnh vực.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, để đạt mức TKĐ tối thiểu 2,1% theo yêu cầu, công ty làm việc với khách hàng có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên và đề nghị ký cam kết thực hiện TKĐ. Cùng với đó, đề nghị các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện nghiêm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Yêu cầu các DN xây dựng kế hoạch và thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hợp lý, hạn chế công suất vào giờ cao điểm, kiểm toán năng lượng định kỳ.
Thực hiện Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ, từ năm 2019 đến nay, Đồng Nai duy trì mức TKĐ hơn 2%.
Riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện nhiều, điện lực đã ký thỏa thuận với hơn 960 khách hàng thực hiện tiết giảm công suất từ 50-70% khi hệ thống khó khăn trong cung ứng điện. Cùng với đó, tuyên truyền khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà phục vụ sản xuất nội bộ.
Nhờ các giải pháp trên, năm 2023, tỉnh tiết kiệm gần 327 triệu kWh, riêng sản xuất công nghiệp - xây dựng tiết kiệm được nhiều nhất với 233 triệu kWh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh TKĐ được hơn 173 triệu kWh và công nghiệp - xây dựng vẫn dẫn đầu với gần 121 triệu kWh, chiếm gần 70%.
Đồng Nai còn 6 khu công nghiệp theo quy hoạch chưa thành lập. Bên cạnh đó, hàng loạt cụm công nghiệp, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Phước An và nhiều dự án hạ tầng khác đang trong quá trình triển khai xây dựng. Do đó, nhu cầu điện công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Giải pháp quan trọng và cấp bách để có đủ điện sử dụng
Trong bối cảnh nguồn cung ứng điện cả nước đang gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, nguồn cung và giá năng lượng sơ cấp phụ thuộc vào thị trường thế giới, phát triển năng lượng tái tạo còn hạn chế, dự án nhiệt điện gặp khó khăn trong mở rộng đầu tư, trong khi tăng trưởng về điện 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng, cấp bách để duy trì ổn định an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam Bùi Quốc Hoan cho rằng, những tháng đầu năm nay, tăng trưởng về điện ở miền Nam, trong đó có Đồng Nai, rất cao, hơn 12%, cao hơn kịch bản dự báo của Bộ Công thương. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, khu vực rất ít dự án điện có nguồn công suất lớn đi vào hoạt động (trừ Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại Đồng Nai), việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình lưới điện và trạm biến áp cũng chậm do vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đẩy mạnh TKĐ là giải pháp quan trọng hàng đầu để đảm bảo cung ứng điện an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực Đông Nam Bộ.
Cùng chia sẻ về nội dung này, ông Cao Quang Quỳnh, thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đánh giá Đồng Nai trong thời gian qua thực hiện TKĐ khá tốt, tỷ lệ vượt so với yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường TKĐ giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Cũng theo ông Quỳnh, lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng vừa dễ nhưng vừa khó tuyên truyền thực hiện TKĐ. Dễ ở chỗ nó giúp DN tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất, từ đó tăng khả năng cạnh tranh; đáp ứng đòi hỏi tất yếu của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, để TKĐ hiệu quả còn phụ thuộc vào chính sách quản lý của DN, khả năng tài chính để đầu tư công nghệ và thiết bị TKĐ; thêm nữa, DN sản xuất theo đơn đặt hàng có khi phải tăng ca giờ cao điểm.
“Đồng Nai chỉ cần tiết kiệm 2% điện sản xuất công nghiệp - xây dựng là tương đương với sản lượng điện sử dụng cả năm của một tỉnh miền núi. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh TKĐ” - ông Quỳnh cho biết thêm.
Theo Báo Đồng Nai.