Mặc dù vẫn tồn tại nhiều hạn chế và khó khăn, không thể phủ nhận những thành tựu mà ngành năng lượng Trung Quốc đã đạt được trong những năm gần đây, nhất là trong phát triển năng lượng tái tạo.
Quốc gia này không chỉ trở thành một trong những nước đi đầu về số lượng các dự án năng lượng tái tạo, mà hơn thế còn đạt tới mức độ phát triển cao trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại công nghệ, trang thiết bị năng lượng sạch, góp phần cho quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng ở nhiều quốc gia.
Theo số liệu thống kê do Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc công bố, năm 2023 công suất điện năng lượng mặt trời tại Trung Quốc đã tăng tới 55,2% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó công suất điện gió cũng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong những năm gần đây. Riêng năm 2023, công suất điện gió Trung Quốc đã tăng tới 20,7%. Đây là những con số ấn tượng.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong một thời gian dài, nguồn phát giúp đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc chủ yếu là điện than và thủy điện. Trong khi đó, vài năm gần đây, sản lượng thủy điện không ổn định do những điều kiện thời tiết dị biệt, hạn hán, ít mưa, lượng nước trong các hồ chưa giảm.
Cho dù Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch và đã cam kết cắt giảm điện than trong biểu đồ năng lượng quốc gia, nhưng các cơ quan năng lượng quốc tế và khu vực vẫn ghi nhận nhiều dự án điện than mới được cấp phép tại quốc gia này trong năm 2021, 2022 và 2023.
Phát thải ròng của quốc gia này vẫn tăng lên và dự kiến sẽ đạt phát thải đỉnh vào năm 2030, trước khi giảm dần và hướng tới trung hòa các-bon vào năm 2060 theo kế hoạch.
Từ nay đến năm 2060 là một khoảng thời gian rất dài. Không ai có thể chắc chắn được kết quả sẽ như thế nào. Chỉ biết rằng, mục tiêu chuyển đổi điện than sang các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đi vào chủ trương và trên thực tế, đang được ngành điện Trung Quốc triển khai.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư nhiều tiền của vào lưới điện truyền tải. Các khoản đầu tư ở trung ương và địa phương không ngừng tăng lên. Mới đây, Chính phủ và ngành điện nước này đã lên kế hoạch triển khai đầu tư khoản vốn 800 tỷ USD cho hệ thống điện trong vòng 6 năm, trong đó có việc cải tạo và nâng cấp lưới điện đã cũ.
Đây được coi là giải pháp cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống điện quốc gia trong giai đoạn mới, khi mà các dự án năng lượng nói chung và điện năng lượng tái tạo nói riêng đang tăng trưởng nóng, gây áp lực lên mạng lưới truyền tải và toàn bộ hệ thống điện Trung Quốc. Nhiều dự án năng lượng tái tạo phải chờ từ 1,5-đến 2 năm để xin cấp phép hòa lưới điện. Tình trạng chung là nguồn cung ứng điện tái tạo tăng lên, trong khi lưới điện truyền tải không thể hấp thụ hết công suất và sản lượng, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, quốc gia này đã đầu tư xấp xỉ 17 tỷ USD cho các dự án lưới điện với mức tăng trưởng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ngay cả Hoa Kỳ, một trong những quốc gia có ngành năng lượng phát triển hàng đầu thế giới thì trong những tháng đầu năm cũng mới giải ngân khoảng 3,5 tỷ USD cho các dự án lưới điện truyền tải. Những con số nêu trên cho thấy đang có một sự chuyển đổi, vận động hết sức mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng và ngành điện Trung Quốc hiện nay.
Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Năng lượng Rystad, năm nay có thể Chính phủ Trung Quốc sẽ chi thêm cho đầu tư năng lượng xấp xỉ 102 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023 và dự kiến sẽ đầu tư thêm tới 157 tỷ USD/năm vào năm 2030.
Mặc dù đầu tư nhiều trong thời gian qua, có dấu hiệu cho thấy vẫn còn áp lực đè nặng lên lưới điện truyền tải và phân phối của Trung Quốc. Riêng năm 2023, hơn 100 hạt và thành phố thuộc 5 tỉnh Trung Quốc đã phải dừng cấp phép vận hành cho các dự án điện mặt trời xây mới quy mô nhỏ vì lý do quá tải lưới điện.
Năm 2023, chính quyền của ít nhất 12 trên tổng số 34 tỉnh của Trung Quốc đã buộc phải kêu gọi và đề nghị các nhà máy điện mặt trời sử dụng hệ thống lưu trữ điện năng nhằm giảm áp lực lên lưới điện địa phương. Tỉnh Vân Nam thậm chí phải đối mặt với tình trạng thiếu điện tương đương khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ, cho dù đã nỗ lực tăng công suất năng lượng tái tạo. Tỉnh Thanh Hải ở phía Tây Bắc Trung Quốc thậm chí phải bỏ phí sản lượng điện của nhiều dự án điện năng lượng tái tạo vào thời gian ban ngày do thiếu hạ tầng lưu trữ và phải mua điện từ nguồn điện than của các tỉnh lân cận để phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào ban đêm.
Có ý kiến cho rằng, mặc dù nỗ lực là rất lớn, các khoản đầu tư cho hạ tầng hệ thống điện rất nhiều, nhưng vẫn khó đáp ứng đủ trước sự phát triển nóng của các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện mặt trời như hiện nay.
Chỉ trong vòng một thập niên, ước tính Trung Quốc đã mở rộng lưới điện bằng 1/3 mức độ mở rộng lưới điện của toàn thế giới và theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc chính là quốc gia có tỷ lệ lưới điện truyền tải dưới 10 năm tuổi thọ cao nhất thế giới.
Chính phủ nước này cam kết và có kế hoạch sẽ xây dựng thêm 1200 GW công suất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang ngày một tăng cao, đảm bảo an ninh năng lượng và bắt kịp xu thế chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng xanh, sạch.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện năng của Trung Quốc là 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả chuyển đổi năng lượng thực tế đến đâu thì thời gian sẽ trả lời, nhưng dẫu sao Chính phủ Trung Quốc đã và đang thực sự nỗ lực vì mục tiêu giảm tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch và hướng tới sử dụng nguồn điện sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng cho những nhà hoạt động môi trường tại Trung Quốc và trên toàn thế giới.
Việt Phương
(Nguồn: https://www.bing.com/search
https://sg.docs.wps.com
https://chinaenergyportal.org
https://ourworldindata.org/energy
Interestingengineering.com)