Hàn Quốc là quốc gia có nền năng lượng phát triển với hiệu suất sử dụng năng lượng và vận hành hệ thống điện đạt hiệu quả cao, cho dù không được thiên nhiên ưu đãi nhiều về tiềm năng.
Chính phủ Hàn Quốc luôn coi ngành năng lượng nói chung, lĩnh vực điện lực nói riêng đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, chính sách giá năng lượng, giá điện luôn được Chính phủ quan tâm, cân nhắc điều tiết một cách thận trọng.
Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tăng giá điện 5 Won/kWh (tương đương 0.4 cent USD/kWh) vào quý III/2024 trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, trong đó có giá nhập khẩu khí hóa lỏng và than. Đây là lần thứ hai xứ sở kim chi tăng giá điện trong năm nay. Lần trước diễn ra vào quý II/2024, mỗi kWh đã tăng thêm 6,9 Won.
Trong tháng 5/2024, chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong suốt 14 năm qua. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ Hàn Quốc đã cân nhắc rất kỹ và chỉ chấp thuận mức tăng giá điện 5 Won/kWh trong quý III này.
Mức tăng chỉ 5 Won/kWh lần này thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ Hàn Quốc trong việc tính toán để duy trì mức tăng thấp nhất có thể trong khi sức ép lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế quốc dân.
Mặc dù chi phí nhiên liệu cho phát điện đã tăng từ lâu, trong nhiều năm qua Hàn Quốc vẫn nỗ lực kiềm chế việc tăng giá điện. Phải đến quý IV năm 2023 mới có đợt điều chỉnh tăng 3 Won/kWh sau một thời gian dài do buộc phải tăng giá để cân đối phần nào đó nguồn tài chính cho ngành điện.
Theo các chuyên gia, so với mức chi phí thực tế của ngành điện thì mức tăng giá điện trong những lần vừa qua tại Hàn Quốc vẫn còn rất thấp, chưa phản ánh đúng và đủ, cũng như chưa bù đắp được chi phí sản xuất và vận hành hệ thống điện quốc gia.
Kể từ năm 2021, Hàn Quốc nghiên cứu áp dụng phương án giá điện linh hoạt căn cứ theo biến động giá nhiên liệu trên thị trường thế giới nhằm nâng cao lợi nhuận cho ngành điện, thay vì áp dụng phương án giá điện cố định như trước đây. Theo đó, giá điện được rà soát 03 tháng một lần nhằm điều chỉnh linh hoạt và phù hợp với biến động của giá nhiên liệu trên thị trường thế giới.
Năm 2023, tổng công suất đặt toàn hệ thống điện Hàn Quốc đạt 149,7 GW, trong đó điện than chiếm 43,1%, điện khí chiếm 18%, điện hạt nhân 26,8%, điện mặt trời 5 %, điện sinh khối 3%, điện dầu 1,6%, thủy điện 1,3%, và các nguồn khác. Ngành điện Hàn Quốc dự kiến kế hoạch tăng trưởng bình quân 3% trong giai đoạn 2023-2035.
Cũng trong năm 2023, sản lượng điện Hàn Quốc đạt xấp xỉ 600 TWh với tổng nhu cầu tiêu thụ khoảng 531,26 tỷ kWh.
Các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng đóng góp nhiều hơn vào biểu đồ chung của cả nước. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đạt 58,5 GW điện năng lượng tái tạo vào năm 2030 và hướng tới nâng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo lên 35% tổng biểu đồ phát vào năm 2040.
Hàn Quốc cũng đã công bố Quy hoạch điện VIII, theo đó đề cập tới các nội dung nhằm đảm bảo cung ứng điện trong dài hạn, nâng cao hiệu quả kinh tế năng lượng, cũng như tuân thủ các mục tiêu cam kết về môi trường.
Về đầu tư, quốc gia này thường xuyên rà soát và thúc đẩy các dự án đầu tư tập trung vào năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng điện lực, nhất là mở rộng và cải thiện lưới điện, cũng như các loại công nghệ mới nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng. Mới đây vào năm 2023, ngành điện nước này đã giải ngân khoản đầu tư 1,55 tỷ USD cho 1 GW điện mặt trời nhằm tăng công suất cho hệ thống điện và tận dụng tiềm năng quang năng trên đảo.
Cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc và Tổng Công ty Điện lực quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp có thể, bao gồm cả tái cơ cấu, giảm thiểu các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất và vận hành để cải thiện tình hình tài chính cho Tổng Công ty Điện lực, từ đó đảm bảo hoạt động cung ứng, cũng như vận hành lưới điện quốc gia ngày càng hiệu quả hơn.
Ngày 01 tháng 7 vừa qua, trong khuôn khổ Cuộc tọa đàm giữa 50 lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện một số tập đoàn Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm tới các dự án năng lượng, nhất là điện gió, điện khí tại Việt Nam, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam có cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý, tài chính cho đầu tư các dự án. Một số đại điện doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết sẵn sàng tham gia đầu tư những dự án năng lượng tái tạo nói chung, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam nhằm trung hòa các-bon vào năm 2050.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://www.spglobal.com/commodity
https://www.pv-tech.org/south-korea
https://en.wikipedia.org/wiki/Energy
https://www.bing.com/search)