Năng lượng gió và mặt trời đã thay thế 1/5 sản lượng nhiên liệu hóa thạch của EU Kể từ năm 2019, công suất năng lượng gió và mặt trời ở EU đã tăng 65% (+188 GW). Công suất gió tăng 31% (+52 GW) lên 219 GW vào năm 2023, trong khi công suất năng lượng mặt trời tăng hơn gấp đôi (+113%) từ 120 GW lên 257 GW. Điều này tương đương với việc lắp đặt hơn 230.000 tấm pin mặt trời mỗi ngày trong vòng 4 năm.
Công suất điện gió và mặt trời tăng dẫn đến công suất phát điện kết hợp tăng 46% (+226 TWh) từ năm 2019 đến năm 2023. Do đó, thị phần điện gió và mặt trời trong cơ cấu điện của EU đã tăng từ 17% năm 2019 lên 27% vào năm 2023. Đây là nhân tố chính giúp tăng tỷ trọng tổng nguồn năng lượng tái tạo từ 34% năm 2019 lên 44% vào năm 2023.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng gió kể từ năm 2019 đã dẫn đến một cột mốc quan trọng: năm 2023, năng lượng gió vượt qua khí đốt để trở thành nguồn điện lớn thứ hai của EU. Sản lượng điện gió tăng 28% (+103 TWh) từ năm 2019 đến năm 2023, đạt 17,5% thị phần điện của EU. Năm 2023, gió tạo ra 470 TWh điện, tương đương với tổng nhu cầu điện của Pháp, trong khi khí đốt tạo ra 449 TWh.
Sự chuyển đổi sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời được thể hiện rõ ràng ở khắp các nước thành viên EU. Đức (+42 GW, +38%) và Tây Ban Nha (+25 GW, +69%) dẫn đầu, đóng góp lần lượt 22% và 13% công suất mới. Hơn một nửa trong số 27 quốc gia thành viên đã tăng ít nhất gấp đôi và trong nhiều trường hợp tăng hơn gấp ba công suất gió và mặt trời từ năm 2019 đến năm 2023. 14 quốc gia này, ngoại trừ Đức và Tây Ban Nha, đã bổ sung thêm 74 GW công suất gió và mặt trời mới, chiếm 39% tổng mức tăng của EU kể từ năm 2019. Công suất này bao gồm cả các quốc gia có công suất hạn chế trước đây, chẳng hạn như Slovenia, đã bổ sung 800 MW để đạt 1 GW vào năm 2023 và các hệ thống lớn hơn như Hà Lan, đã tăng gấp ba công suất để đạt 35 GW vào năm 2023, tăng thêm 23 GW.
EU chấp thuận trợ cấp của Ý cho gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo sáng tạo
Hôm thứ Ba (4/6), Ủy ban Châu Âu đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ nhà nước của Ý nhằm cung cấp gần 4,6 gigawatt (GW) công suất điện mới từ các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả các dự án điện gió ngoài khơi,
Ủy ban Châu Âu cho biết, kế hoạch này sẽ kéo dài đến cuối năm 2028, sẽ hỗ trợ xây dựng các nhà máy mới chạy bằng công nghệ tiên tiến, trong đó có năng lượng địa nhiệt, năng lượng mặt trời nổi, thủy triều, sóng và các năng lượng biển khác cũng như khí sinh học và sinh khối.
Khoản hỗ trợ này sẽ được tài trợ thông qua một khoản thuế sẽ được tính vào hóa đơn tiền điện và do người tiêu dùng thanh toán.
Tại Nhật Bản, lo ngại về an ninh năng lượng khiến hạt nhân trở lại được ưa chuộng cho kế hoạch năm 2040
Các chuyên gia trong ngành năng lượng hạt nhân cho biết Nhật Bản sẽ thúc đẩy phát triển thêm năng lượng hạt nhân trong bản cập nhật chính sách năng lượng vào năm tới, nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp điện ổn định trước nhu cầu ngày càng tăng và rủi ro địa chính trị gia tăng.
Nhật Bản đã cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011 và tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra 70% điện năng, ngay cả khi đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, khi phải đối mặt với sự tăng vọt của giá than và khí đốt cũng như sự gián đoạn nguồn cung vào năm 2022, Chính phủ Nhật Bản muốn tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân, cùng với năng lượng gió và năng lượng mặt trời, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định.
Alex Whitworth, Phó Chủ tịch công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết, trọng tâm đã chuyển từ phát thải carbon sang an ninh năng lượng. An ninh năng lượng luôn quan trọng đối với Nhật Bản, nhưng thậm chí còn quan trọng hơn bây giờ vì có quá nhiều thách thức liên quan đến việc thiếu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, LNG đắt đỏ và thiếu nguồn cung.
Bất kỳ sự thay đổi nào nhằm tăng cường năng lượng hạt nhân của quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới và là khách hàng mua than nhiệt lớn nhất sẽ tác động đến các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đó, trong đó có Australia, Qatar, Mỹ và Indonesia.
Các cuộc thảo luận về chính sách năng lượng của Nhật Bản, được sửa đổi ba năm một lần, đã bắt đầu trong tháng Năm. Đây là lần sửa đổi đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Fumio Kishida chuyển quan điểm của Nhật Bản sang ủng hộ năng lượng hạt nhân năm 2022.
Takeo Kikkawa, Chủ tịch Đại học Quốc tế Nhật Bản, cho biết: “Phần lớn các thành viên trong hội thảo tranh luận về chính sách này đều ủng hộ hạt nhân và chính sách mới có thể bao gồm việc xây dựng các lò phản ứng mới”.
Hiện nay còn chưa rõ mục tiêu cơ cấu năng lượng 20%-22% hạt nhân sẽ thay đổi như thế nào trong năm mục tiêu tiếp theo, có thể là năm 2040. Tuy nhiên, các công ty năng lượng và ngành công nghiệp ở Nhật Bản đang ngày càng kêu gọi sử dụng nhiều hơn năng lượng hạt nhân khi căng thẳng địa chính trị làm tăng nguy cơ cung cấp năng lượng gián đoạn và tăng giá điện.
Kansai Electric Power, nhà điều hành năng lượng hạt nhân lớn nhất Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi mong muốn làm rõ kế hoạch năng lượng tiếp theo trong tối đa hóa việc sử dụng năng lượng hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng và khử cacbon, cũng như về nhu cầu thay thế và xây dựng các lò phản ứng mới để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng".
Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này có thể phải tăng sản lượng điện lên tới 50% vào năm 2050 khi nhu cầu tăng từ các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và trung tâm dữ liệu./'