Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 14/12/2024 | 10:06 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Phát triển điện gió ngoài khơi loay hoay từ con số 0

30/08/2023
(PetroTimes) - Theo Quy hoạch điện VIII, cả nước sẽ có 6.000 MW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) cuối năm 2030. Với xuất phát điểm hiện nay từ con số 0, trong khi đó phát triển một dự án ĐGNK mất từ 7 – 10 năm, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng nếu không sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý, quy định liên quan khả năng đạt mục tiêu đề ra là rất khó khăn.
Thách thức cho mục tiêu 6.000 MW ĐGNK đến năm 2030
Đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh và nhu cầu năng lượng cho phát triển, việc triển khai các dự án ĐGNK đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Được đánh giá có tiềm năng lớn, phát triển ĐGNK ở nước ta đã được quan tâm, đưa vào Quy hoạch điện VIII với mục tiêu phát triển 6.000 MW từ nay đến cuối năm 2030. Việc phát triển ĐGNK nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đảm bảo an ninh năng lượng mà không phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng để đáp ứng tăng trưởng nhanh và nhu cầu năng lượng tăng cao; thông qua quá trình phát triển sẽ giúp cho chi phí và giá cả ĐGNK ngày càng cạnh tranh; sử dụng được chuỗi cung ứng và lực lượng lao động để đem lại các cơ hội mới cho phát triển đất nước; mở ra cơ hội xuất khẩu năng lượng tái tạo sang các thị trường khác; hỗ trợ sản xuất các nguồn năng lượng khác như sản xuất hydro;...
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra theo Quy hoạch điện VIII được nhận định là rất thách thức, đặc biệt đối với một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam và cũng còn khá mới mẻ trên thế giới.
Mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII được đánh giá là rất thách thức
Theo ông Hoàng Đăng Khoa - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thách thức triển khai các dự án ĐGNK là chưa có quy định cụ thể cho phát triển từ quy trình cấp phép cho tới tiêu chuẩn đánh giá. Hiện nay, phát triển ĐGNK liên quan đến khoảng 8 luật, nhiều văn bản dưới luật, 13 cơ quan quản lý, tổ chức có thẩm quyền. Thời gian để hoàn thiện các thủ tục ước tính khoảng 2 – 3 năm. Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại khác như: Hiện chưa có quy hoạch không gian biển, việc khảo sát các dự án ĐGNK đang dừng xem xét vì chưa có quy định cụ thể về hồ sơ tài liệu, chấp thuận đo đạc, quan trắc; chưa quy định được phép hay không được phép cùng khảo sát trong trường hợp nhiều đề xuất trong cùng khu vực biển hoặc chồng lấn giao thoa; chấp thuận thời gian thực hiện đo đạc, quan trắc,… Bên cạnh đó, thách thức nữa là yêu cầu vốn lớn, thị trường điện cạnh tranh chưa hoàn chỉnh, minh bạch, hiệu quả, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng tái tạo.
Qua đó, ông Hoàng Đăng Khoa - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định, mục tiêu phát triển ĐGNK theo Quy hoạch điện VIII là khá lớn, cũng như rất thách thức về mặt tiến độ khi xuất phát điểm tính từ năm 2030, nếu không có được lộ trình thuyết phục thì rất khó đạt được quy mô lắp đặt 6.000 MW vào năm 2030 bởi thời gian còn lại chỉ là 7 năm.
Chế tạo các thiết bị điện gió
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, mục tiêu ĐGNK trong Quy hoạch điện VIII là hết sức thách thức trong bối cảnh nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến thu xếp vốn, hiệu quả đầu tư, các vướng mắc về cơ chế chính sách,… Nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ vỡ quy hoạch là rất lớn vì từ nay đến 2030 là rất cận kề với lộ trình triển khai các dự án mất từ 7 – 10 năm.
Theo các doanh nghiệp và nhà đầu tư, với xuất phát điểm là con số 0 trong khi mục tiêu đặt ra là 6.000 MW vào năm 2030, thời gian còn lại là không còn nhiều, trong khi đó phát triển một dự án ĐGNK đỏi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn. Chỉ tính riêng giai đoạn khảo sát địa vật lý, thủy văn, đo gió,… có thể đã mất vài ba năm. Do đó, nếu không nhanh chóng giải quyết vướng mắc về chính sách; đồng thời có cơ chế để thúc đẩy thì rất khó để hiện thực hóa mục tiêu ĐGNK theo Quy hoạch điện VIII.
Cần sớm hoàn thiện khung chính sách và có cơ chế thúc đẩy
Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập, với yêu cầu nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao, phải có chính sách thu hút đầu tư và huy động mọi nguồn lực. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế ở các lĩnh vực khác trong giai đoạn đầu cho thấy, nếu cứ chờ đợi phải có khung pháp lý hoàn chỉnh mới triển khai các dự án thì sẽ vỡ quy hoạch vì không kịp thời gian, do đó nên xem xét triển khai các dự án thử nghiệm, thí điểm, qua đó rút kinh nghiệm song song với hoàn thiện khung pháp lý.
TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam góp ý về chính sách cho phát triển ĐGNK và Quy hoạch điện VIII
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T đưa ra kiến nghị, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành trong hoàn thiện khung chính sách cho lĩnh vực ĐGNK, coi đây là một ngành công nghiệp mới được khuyến khích đầu tư, phát triển, đóng góp vào thực hiện cam kết của Chính phủ về cắt giảm CO2 và phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xem xét cho phép khảo sát, đo gió cho các dự án ĐGNK (ngoài 6 hải lý); Chính phủ và các bộ ngành xem xét cho thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện chính sách đấu thầu, đấu giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Giai đoạn này được kiến nghị áp dụng cho 6.000 MW đầu tiên đến năm 2030. Đây là giai đoạn định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam, do vậy, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, minh chứng được về năng lực, kinh nghiệm, tài chính,… Đặc biệt, để xây dựng một ngành công nghiệp mới cần có tầm nhìn dài hạn.
Bên cạnh đó, ĐGNK thuộc nhóm các dự án cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sử dụng công nghệ cao, móng sâu, tua bin công suất lớn, tháp gió cao, vận hành trong môi trường nước mặn và thường có quy mô công suất lớn đòi hỏi các nhà đầu tư phải có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính, kỹ thuật. Do vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần có các quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư từ bước chấp thuận chủ trương khảo sát, đảm bảo các nhà đầu tư có năng lực thực sự được lựa chọn, có thể đầu tư, vận hành nhà máy đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Tận dụng nguồn lực, chuỗi cung ứng trong ngành Dầu khí cho phát triển ĐGNK
Ông Jacques –Etienne MICHEL - Giám đốc đại diện quốc gia của Equinor tại Việt Nam: Quy hoạch điện VIII đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng cho ĐGNK. Các dự án ĐGNK thường mất 7 – 10 năm để phát triển. Để theo kịp mục tiêu đề ra cần khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thực hiện quy hoạch về: trao khu vực phát triển dự án, giải quyết vấn đề về đấu nối và lưới điện, cơ chế giá, chuỗi cung ứng,… Trong đó Việt Nam đã có chuỗi cung ứng về Dầu khí có thể tận dụng cho phát triển ĐGNK.
Ông Stuart Livesey – Tổng Giám đốc COP Việt Nam & Điện gió La Gan: Nên xem xét cho phép triển khai các dự án thí điểm/dự án thử nghiệm. Trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước có kinh nghiệm, năng lực có thể thúc đẩy trong lĩnh vực ĐGNK cũng như lĩnh vực điện như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên tham gia vào quá trình này để học hỏi và dẫn dắt toàn ngành; đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án tư nhân giàu kinh nghiệm tham gia để đảm bảo cung cấp kiến thức và vốn cho quá trình thực hiện.
TS. Hoàng Xuân Quốc - Giám đốc năng lượng Tập đoàn VinaCapital, Thành viên độc lập HĐQT Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC): Cần có chính sách, khung pháp lý đồng bộ và đầy đủ cho ĐGNK, đặc biệt là có các chính sách liên quan đến xuất khẩu ĐGNK để khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên quý báu này. Nên chọn những doanh nghiệp phù hợp để tiên phong thực hiện những dự án ĐGNK lớn đầu tiên, trong đó có thể tận dụng kinh nghiệm, nguồn lực về nhân lực, cơ sở vật chất của ngành Dầu khí trong chế tạo, vận hành các dự án ngoài khơi để đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện, tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có.
Theo Tạp chí Petrotimes.

Cùng chuyên mục

'Chìa khóa' giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

14/12/2024

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London về tình hình phát triển điện hạt nhân tại châu Âu, chuyên gia Bùi Nguyễn Hoàng, kỹ sư, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 thuộc Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cho biết từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt khủng hoảng khí đốt do xung đột tại Ukraine, nhiều nước châu Âu đã coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302