Ngày 23/8, tại Lai Châu, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Nguồn: Bộ Công Thương. Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và là “phên dậu” của Tổ quốc trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là tỉnh có nhiều lợi thế về để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện và khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, 7 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả khả quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương báo cáo tại buổi làm việc. Nguồn: Bộ Công Thương. Tuy nhiên, ông Lê Văn Lương nhận định, dù có nhiều thuận lợi nhưng tỉnh Lai Châu xác định còn nhiều khó khăn về quy hoạch năng lượng, lĩnh vực thương mại, khai thác chế biến khoáng sản... Cơ cấu ngành công nghiệp tập trung vào thủy điện, thiếu tính bền vững về dài hạn; Quy mô công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản còn nhỏ, công nghệ chế biến chưa cao; Nguồn cung và chất lượng nguyên liệu không ổn định; Các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp địa phương vào hoạt động trong cụm công nghiệp.
Năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trên địa bản tỉnh Lai Châu còn hạn chế. Cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đa phần hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, có quy mô nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chưa cao, vốn ít, khả năng cạnh tranh yếu và chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn để đáp ứng yêu cầu hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII và dự thảo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có nội dung phát triển năng lượng. Tuy nhiên, các dự án thủy điện tiềm năng trong quy hoạch, đơn vị tư vấn quy hoạch mới xác định được địa điểm, công suất, chưa xác định được các thông số chính của dự án như: Mực nước dâng bình thường, mực nước chết, mực nước hạ lưu nhỏ nhất… gây khó khăn trong việc triển khai các dự án sau khi quy hoạch được phê duyệt do các dự án có khả năng chồng lấn vào nhau.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Lai Châu đã có nhiều kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, về công nghiệp, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Công Thương xem xét sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, cung cấp hồ sơ quy hoạch và cập nhật các dự án nguồn điện theo đề xuất của UBND tỉnh vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Chỉ đạo các đơn vị có liên quan tính toán, cân đối công suất các nguồn điện trên địa bàn toàn quốc được huy động trong mùa mưa. Trong đó ưu tiên huy động tối đa công suất phát điện của các nhà máy thủy điện lớn, nhằm sử dụng tối ưu tài nguyên nước, hạn chế xả thừa trong mùa mưa tại các công trình thủy điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn thu ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đầu tư điện mặt trời áp mái tại nhà dân, trụ sở cơ quan để phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp và người dân khi tham gia các chương trình tiết kiệm điện.
Xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Giới thiệu nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực quan tâm đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hoặc có nhu cầu triển khai thực hiện các dự án trong cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Về thương mại, đề nghị Bộ Công Thương xem xét ủy quyền cho Sở Công Thương tỉnh Lai Châu thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Lai Châu sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc).
"Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn tạo, điều kiện để tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện tốt các bước thiết lập (khu) điểm chợ biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới hai bên, nhất là một số sản phẩm nông sản", ông Lê Văn Lương nhấn mạnh.
Về khai thác, chế biến khoáng sản, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng. Hướng dẫn tiêu chí đánh giá về công nghệ trong khai thác, chế biến đất hiếm nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm đến môi trường.
Xem xét, giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về thử nghiệm công nghệ chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Giới thiệu các đơn vị có đủ năng lực để liên kết, hợp tác thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại mỏ đã được quy hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu kiến nghị điều chỉnh giá mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư.
"Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, xem xét thành lập quỹ để thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội và tri ân đối với đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện", Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương nói.
Đối với các kiến nghị của tỉnh Lai Châu, trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, UBND tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản là hai ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Nguồn: Bộ Công Thương. Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tỉnh tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế của UBND tỉnh Lai Châu về phát triển thủy điện. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Thủy điện Lai Châu và các dự án của EVN trên địa bàn, đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng nguồn điện và lưới điện, phù hợp với tiến độ đầu tư được phê duyệt.
Phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phát triển hệ thống lưới điện phân phối đến các thôn bản chưa có điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, nhất là địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn.
Đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản phẩm đất hiếm có vai trò đặc biệt trong chuỗi sản xuất công nghiệp giá trị cao toàn cầu. Do vậy, dự án khai thác đất hiếm đầu tiên và duy nhất đến nay tại Đông Pao, Lai Châu cần được đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, đối với hoạt động thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng kết hợp với phát triển du lịch; Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại.
Nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là đã và sẽ ký kết, nhất là các Hiệp định có Trung Quốc tham gia như Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, RCEP và khuyến khích xuất khẩu chính ngạch.
Theo Mekong Asean