Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 15/01/2025 | 12:52 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Khái quát về tình hình phát triển và chính sách năng lượng quốc gia Lào

24/05/2024
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, bình quân tiêu thụ năng lượng của Lào tăng trưởng 2,7%/năm, trong đó tăng trưởng điện năng đạt khoảng 10%/năm; lĩnh vực dầu khí tăng khoảng 7%/năm.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng năng lượng tái tạo phong phú, nhất là thủy điện và điện sinh khối. Trong những thập niên gần đây, Chính phủ Lào đã tập trung khai thác thủy điện để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng cả nước. Thủy điện cũng là nguồn phát quan trọng giúp nước bạn đảm bảo an ninh năng lượng, hơn thế còn đóng góp sản lượng xuất khẩu để thu ngân sách hàng năm. 
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, bình quân tiêu thụ năng lượng của Lào tăng trưởng 2,7%/năm, trong đó tăng trưởng điện năng đạt khoảng 10%/năm; lĩnh vực dầu khí tăng khoảng 7%/năm.
Điện sinh khối là nguồn quan trọng phục vụ sinh hoạt của người dân. Các ngành công nghiệp và lĩnh vực sản xuất cũng dùng điện sinh khối, nhưng sản lượng không lớn. Ước tính điện sinh khối Lào tăng trưởng hàng năm khoảng 1%. Bên cạnh đó, điện dầu, điện than, điện khí cũng đóng góp sản lượng vào biểu đồ chung cho dù sản lượng chưa cao.
Lĩnh vực giao thông vận tải nước này tiêu thụ nhiều năng lượng, tương đương khoảng 33% tổng biểu đồ. Mức tiêu thụ năng lượng trong ngành giao thông vận tải tăng trưởng khoảng 10%/năm.
Tiếp theo trong biểu đồ tiêu thụ là lĩnh vực công nghiệp, chiếm khoảng 14%, với mức tăng trưởng xấp xỉ 2%/năm; lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có tỷ trọng 12%, tăng trưởng hàng năm 1,8%. 
Mỗi năm, Lào sử dụng khoảng 7 triệu tấn dầu cho phát điện. Xuất khẩu điện nước này đạt xấp xỉ 38000 GWh, tiêu tốn nhiên liệu tương đương 2,8-3 triệu tấn dầu. Sản lượng điện xuất khẩu Lào có năm vượt 50% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước, gần 80% tổng sản lượng thủy điện.
Vai trò điện sinh khối rất quan trọng tại Lào, được coi là nguồn phát dễ đầu tư, tiện sử dụng, khá phổ biến và được người dân, nhất là ở các vùng nông thôn tin dùng.
Các đối tượng tiêu dùng chưa có điều kiện tiếp cận điện lưới từ các nguồn phát lớn của quốc gia thường sử dựng điện sinh khối để đáp ứng nhu cầu đun nấu, sưởi, nấu nước nóng do nguồn sinh khối tại Lào rất phong phú, có thể được triển khai ở mọi nơi . Trong biểu đồ năng lượng, điện sinh khối chiếm tỷ trọng khoảng 25%.
Điện dầu cũng là nguồn phát quan trọng đảm bảo ổn định hệ thống tại Lào, sử dụng dầu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và một số quốc gia lân cận. Bên cạnh đó, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn dầu và sản phẩm từ dầu lửa cho lĩnh vực giao thông vận tải.
Điện than ngốn của đất nước triệu voi khoảng 4,5 triệu tấn than/năm. Nhà máy điện than lớn nhất của Lào bắt đầu vận hành từ năm 2015 có tên Hongsa, làm cho nhu cầu nhập khẩu than của Lào tăng mạnh kể từ khi khởi động nhà máy cho đến nay. Nhà máy có tổng công suất 1878 MW với phần lớn sản lượng điện dành cho xuất khẩu.
Theo tính toán của Tiểu ban Sông Mekong, tiềm năng công suất thủy điện Lào đạt khoảng 26000 MW, nhưng đến nay mới chỉ xấp xỉ 10000 MW được khai thác.
Năm 2023, tổng sản lượng điện của Lào đạt khoảng 55000 GWh, trong đó 72%, tương đương xấp xỉ 38000 GWh dành cho xuất khẩu.
Xu hướng xuất khẩu điện sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những năm tới đây do Chính phủ Lào đã thỏa thuận sẽ xuất khẩu 15000 MW sang Thái Lan và một số nước lân cận trong giai đoạn từ 2020-2030.
Lĩnh vực điện lực có vai trò quan trọng đối với ngành năng lượng và sự phát triển kinh tế xã hội của Lào, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách nhà nước. Trong dài hạn, phát triển điện xuất khẩu là định hướng lớn của Chính phủ Lào.
Cho đến nay, hơn 94% lãnh thổ Lào đã được điện khí hóa và Chính phủ bạn đang nỗ lực đưa con số này lên mức 98% vào năm 2025. Đây cũng là một phần của chính sách hướng tới xóa đói giảm nghèo của quốc gia này.
Về chính sách năng lượng, kể từ khi Bộ Năng lượng và Mỏ Lào được thành lập vào năm 2006, hạ tầng năng lượng và khuôn khổ pháp lý đã được xây dựng và mở rộng. Chính sách năng lượng Lào thu hút nhiều quan tâm của công luận, khởi phát từ lĩnh vực điện lực, dần được mở rộng sang các khía cạnh khác của ngành năng lượng. Mục tiêu của Lào là xây dựng nền năng lượng quốc gia bền vững, thân thiện với môi trường, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN.
Trên bản đồ năng lượng khu vực, Lào có vị trí thuận lợi, mang tính kết nối giữa các quốc gia khu vực trong khuôn khổ hợp tác năng lượng ASEAN+3. Ở giữa các quốc gia có nhu cầu năng lượng cao và ngày càng tăng, định hướng phát triển điện xuất khẩu là cơ hội mà Chính phủ Lào đã nhanh nhạy nắm bắt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực, đồng thời phát triển kinh tế đất nước mình. Công suất điện xuất khẩu của Lào dự kiến đạt 15000 MW vào năm 2030. 
Bộ Năng lượng và Mỏ nước này đã đề ra 6 mục tiêu cho ngành điện, đó là: Tăng cường cung ứng điện hiệu quả với 65% từ thủy điện, 30% nhiệt điện và 5% năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu trong nước và các mục tiêu xuất khẩu điện; Phát triển lưới truyền tải phục vụ cung ứng điện trong nước và xuất khẩu; Cải thiện khâu phân phối và các dịch vụ điện năng; Tăng cường điện khí hóa nông thôn, đạt tỷ lệ 98% vào năm 2025; Xúc tiến sử dụng năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải thông qua tăng số lượng xe điện lên 15% tổng số phương tiện vào năm 2025; Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm 10% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng vào năm 2030.  
 Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://www.iea.org/news/
https://www.eria.org/)

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302