Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 04/12/2024 | 18:24 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Lưới điện thông minh

Tiến độ các dự án đường dây 220kV nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

16/05/2024
Chủ đầu tư đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án đường dây 220kV nhập khẩu từ cụm thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam.
Triển khai các thỏa thuận hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam và Lào, đồng thời tăng cường nguồn điện cho hệ thống điện miền Bắc, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đẩy nhanh tiến độ các dự án/công trình lưới điện, trong đó có đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống và các công trình đấu nốivới mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam.
Tại phía Việt Nam, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống có tổng chiều dài 130 km, với 99 khoảng néo, 299 vị trí móng cột, từ điểm đấu nối G1 tại biên giới Việt Nam - Lào đến Trạm biến áp 220kV Nông Cống hiện hữu. Tuyến đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo của Ban Thị trường điện EVN tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Tập đoàn EVN với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Nậm Săm 3 (Lào)diễn rangày 14/5cho thấy, đến nay, Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đã hoàn thành đúc móng 261/299 vị trí cột; hoàn thành dựng 250/299 cột; hoàn thành 35/99 khoảng néo; đang thi công đồng loạt tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng và đủ điều kiện thi công.
Lãnh đạo EVNNPT kiểm tra đôn đốc tiến độ đường dây 220kV Nậm Sum- Nông Cống
Thời gian qua, mặc dù EVN/EVNNPT và các đơn vị thi công đã nỗ lực rất lớn, tuy nhiên, quá trình triển khai dự án vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, vẫn còn 13 vị trí móng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và 25 khoảng néo trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa chưa được bàn giao. EVN/EVNNPT đang tập trung phối hợp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc, phấn đấu hoàn thành Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống trước ngày 30/6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến những vướng mắc của dự án truyền tải nêu trên, tại cuộc họp giao ban ngày 9/4, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc cho chủ đầu tư về mặt bằng và hỗ trợ trong quá trình thi công.
Tại cuộc họp, ông Somlath Mekakath – Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Nậm Săm 3 thông tin, để xuất nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện cụm Nậm Sum, phía Lào cũng triển khai xây dựngcác đường dây truyền tải, trạm cắt và Nhà máy Thủy điện Nậm Sum 3. Trong đó, Dự án đường dây 220kV Nậm Sum 3 – Trạm cắt Nậm Sum (dài 42km) và Dự án đường dây từ Trạm cắt Nậm Sum – Biên giới (2,4km) đã hoàn thành phần thi công xây dựng, đang thực hiện các công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh. Dự kiến, sẽ đóng điện trong tháng 5/2024. Trạm cắt Nậm Sum đã hoàn thành xây dựng các hạng mục chính, dự kiến đóng điện vào cuối tháng 5/2024.
Đối với Nhà máy Thủy điện Nậm Sum 3, tổ máy 1 dự kiến hoàn thành lắp đặt vào 31/5/2024, sẵn sàng đóng điện trước 15/6/2024. Tổ máy 2 và 3, dự kiến hoàn thành lắp đặt vào 20/7/2024, sẵn sàng đóng điện trước 30/7/2024.
Buổi làm việc giữa lãnh đạo Tập đoàn EVN với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Nậm Săm 3 (Lào) ngày 14/5
Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi tiến độ triển khai các thủ tục đóng điện công trình, vận hành thương mại của của Nhà máy Thủy điện Nậm Sum 3 và các thủ tục liên quan phục vụ cho công tác mua bán điện giữa Việt Nam và Lào.
Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, thời gian tới, các bên liên quan cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi các thông tin, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau để triển khai các thủ tục, hạng mục công việc còn lại để sẵn sàng nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam khi các dự án phía Việt Nam và phía Lào hoàn thành (dự kiến vào cuối tháng 6/2024).
Được biết, đến thời điểm này, EVN và chủ đầu tư các dự án điện tại Lào đã ký 5 hợp đồng mua bán điện từ 10 nhà máy với tổng công suất là 459 MW thông qua đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống.
Diễn biến liên quan đến nhập khẩu điện từ Lào, ngày 5/4/2024, Chính phủ đã có Văn bản số 229/TTg-CN gửi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối Nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên về việc phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Dự án nhà máy điện gió Trường Sơn tại Lào và chủ trương đầu tư lưới điện đấu nối, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch điện VIII và quy định liên quan.
Bộ Công Thương, EVN theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời hướng dẫn và triển khai các công việc liên quan đến việc thực hiện chủ trương theo đúng quy trình, thủ tục và quy định; Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư đảm bảo chắc chắn và đầy đủ cơ sở pháp lý, hiệu quả kinh tế (bao gồm giá cả, chi phí... mua điện), tiêu chí kỹ thuật đối với an ninh hệ thống điện và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302