Đôi nét về thị trường điện ở Indonesia:
Mới đây Công ty Tư vấn Năng lượng Ấn Độ - Mordor Intelligence (MI) đã công bố nghiên cứu mang tên Indonesia Power Market - Growth, Trends, and Forecasts 2023 - 2028 (Thị trường điện Indonesia - Tăng trưởng, Xu hướng và Dự báo giai đoạn 2023 - 2028).
Theo báo cáo của MI: Indonesia là một quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào sản xuất điện từ than. Năm 2020 sản xuất điện từ than chiếm 66% trong tổng sản lượng điện của Indonesia, tiếp sau là điện khí và dầu 22%, thủy điện 6%, địa nhiệt 6%, các nguồn năng lượng tái tạo khác (gồm điện mặt trời, gió và biomass) chiếm dưới 0,5%.
Đến năm 2021, Indonesia có khoảng 237 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất là 34,6 GW. Năm 2021 tổng điện tiêu thụ của Indonesia đạt khoảng 270 tỷ kWh, tăng 5% so với năm 2020.
Sự phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng than xuất phát từ ngành khai thác than ở Indonesia. Quốc gia này đã sản xuất khoảng 600 triệu tấn than (15,2 exajoule) vào năm 2019. Tuy nhiên, sản lượng than khai thác giảm nhẹ vào năm 2020 do đại dịch Covid-19. Nhưng đến năm 2021, sản lượng than lại đạt 614 triệu tấn.
Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng sản xuất than trong thời gian gần đây, điều này sẽ còn tăng hơn nữa do các mục tiêu do Chính phủ đặt ra.
Thị trường điện Indonesia được tập trung vừa phải do tính chất địa lý của một quần đảo. Một số công ty lớn tham gia vào thị trường bao gồm: PT Perusahaan Listrik Negara, CanadianSolar Inc., PT PP Persero Tbk, BCPG Public Company Limited và Sindicatum Renewable Energy Company Pte Ltd.
Thị trường điện của Indonesia được phân chia theo nguồn phát điện, truyền tải và phân phối điện. Theo nguồn phát điện, thị trường được phân thành dầu, khí đốt tự nhiên, than đá và năng lượng tái tạo. Đối với mỗi phân khúc, quy mô thị trường và dự báo đã được thực hiện dựa trên công suất lắp đặt tính bằng gigawatt (GW).
Thị trường điện Indonesia dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng (CAGR) hơn 17% trong giai đoạn 2022 - 2027. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Đại dịch dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở sản xuất và thương mại dẫn đến nhu cầu về điện giảm. Các dự án đang triển khai đã bị tạm dừng do các vấn đề về chuỗi cung ứng và để tập trung vào việc chống lại đại dịch. Nhưng, theo dự báo về sự tăng trưởng của thị trường, các yếu tố như đầu tư phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo và trong lĩnh vực truyền tải, phân phối điện có khả năng thúc đẩy thị trường năng lượng ở quốc gia này.
Phân khúc sản xuất điện than dự kiến sẽ chiếm ưu thế trong giai đoạn dự báo do sự phụ thuộc đáng kể vào các nhà máy điện chạy than. Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, điều này sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho những người tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện, cũng như truyền tải và phân phối trên thị trường. Cạnh đó, các nhà máy điện dựa trên năng lượng tái tạo sắp tới có khả năng thúc đẩy thị trường điện Indonesia trong giai đoạn dự báo.
Mặc dù Chính phủ Indonesia có kế hoạch ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới từ năm 2023, nhưng vẫn cho phép xây dựng các nhà máy điện đã được phê duyệt. Các nhà máy điện chạy bằng than có tuổi thọ hoạt động dài vài thập kỷ và sẽ chiếm không gian tiềm năng của các nhà máy điện năng lượng tái tạo.
Do những điểm nêu trên, dự kiến việc sản xuất điện từ than sẽ chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn dự báo.
Mục tiêu năng lượng tái tạo của Indonesia:
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu năng lượng tái tạo lần lượt là 23% và 31% tổng sản lượng điện vào năm 2025 và 2050. Hiện nay, khoảng 13% sản lượng điện trên toàn quốc từ các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là sản xuất thủy điện và địa nhiệt.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế: Tính đến năm 2022, Indonesia đã lắp đặt công suất năng lượng tái tạo là 12,48 GW và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong giai đoạn dự báo.
Chính phủ Indonesia sử dụng biểu giá điện hỗ trợ (FIT) để đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với các dự án quy mô vừa và nhỏ đến 10 MW. FIT cung cấp cho các nhà đầu tư tư nhân với doanh thu đã biết, được đảm bảo và nhất quán sẽ tạo tính khả thi cho các dự án năng lượng tái tạo, có chi phí phát điện cao hơn. Tuy nhiên, sự thành công của FIT phụ thuộc vào thiết kế của chương trình, biểu giá đầy đủ và tính linh hoạt của hệ thống để điều chỉnh những thay đổi kinh tế vĩ mô. Sự thay đổi gần đây về giá trị của đồng Rupiah và sự gia tăng lãi suất ở Indonesia đã có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến khả năng tồn tại của các dự án năng lượng tái tạo.
Chính sách năng lượng tái tạo ở Indonesia được xác định bởi hai quy định chính:
Thứ nhất: Cấu trúc năng lượng trong tương lai giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Dự thảo quy định gần đây đã được thông qua quy định cụ thể rằng: Năng lượng mới và tái tạo sẽ đóng góp 23% tổng năng lượng sử dụng vào năm 2025.
Thứ hai: Các cam kết của Chính phủ nhằm giảm phát thải khí thải nhà kính (KNK). Theo đó, quốc gia này đơn phương giảm 26% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020 từ công nghiệp so với trường hợp cơ sở (BAU) và với điều kiện nếu có được hỗ trợ quốc tế sẽ giảm thêm 15% nữa.
Việc đáp ứng những mục tiêu này sẽ đòi hỏi sự gia tăng lớn về năng lượng tái tạo để đạt được mức tăng trưởng cần thiết và đa dạng hóa. Để đạt được điều này, sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ rất quan trọng để cung cấp phần lớn nguồn đầu tư.
Khoảng 85% công suất nguồn điện lắp đặt của Indonesia được sở hữu và vận hành bởi công ty nhà nước - Công ty Điện lực PT Perusahaan Listrik Negara (PLN) - là nhà điều hành duy nhất truyền tải và dịch vụ phân phối. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khoảng một nửa công suất xây mới đến từ khu vực tư nhân thông qua các nhà sản xuất điện độc lập (IPP), xuất phát từ chính sách tự do hóa một phần thị trường năng lượng, quy hoạch năng lượng phi tập trung và tăng tính minh bạch.
Để tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, năm 2002 Nghị định về nguồn điện quy mô nhỏ của Indonesia đã được đưa ra, điều này buộc PLN phải mua điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo củacác nhà sản xuất điện độc lập (IPP).
Theo Nghị định này, FIT là mức giá cao trả cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo được đảm bảo khoảng thời gian dài (thường là 10 đến 20 năm), giúp bù đắp chi phí vốn cao hơn và giảm rủi ro cho các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo.
Những dự án năng lượng tái tạo đã và đang được thực hiện:
Tháng 9 năm 2021, UPC Renewables đã công bố việc xây dựng một trang trại gió 150 MW ở Sukabumi, Tây Java. Sự phát triển của trang trại gió Sukabumi có khả năng đóng góp điện tạo ra từ gió vào lưới điện Java-Bali và giúp Chính phủ đạt được mục tiêu 23% năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2025. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Tháng 7 năm 2021, Sunseap đã ký một biên bản ghi nhớ với Cơ quan quản lý khu vực tự do Batam Indonesia (BP Batam) để xây dựng một dự án quang điện nổi 2.200 MW trong hồ chứa Duriangkang ở phía nam của khu vực. Cơ sở này được lên kế hoạch trên một diện tích mặt nước ước tính là 1.600 ha và có khả năng được kết hợp với một hệ thống lưu trữ có công suất khoảng 4.000 MWh. Dự án đã bắt đầu vào năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Tháng 11 năm 2021, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch xây dựng Nhà máy Thủy điện Kayan có công suất khoảng 9.000 MW. Dự án thủy điện này được lên kế hoạch xây dựng trên lưu vực/sông Kayan ở Bắc Kalimantan. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành theo nhiều giai đoạn và dự kiến giai đoạn 1 sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2025.
Tháng 3 năm 2022, Beiersdorf AG - nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc da của Đức mang thương hiệu Nivea đã ký một thỏa thuận năng lượng mặt trời dài hạn với Tập đoàn đa Năng lượng TotalEnergies SE của Pháp liên quan đến dự án điện mặt trời trên mái nhà ở Indonesia. TotalEnergies đã lên kế hoạch lắp đặt một dãy pin mặt trời 540 kWp tại một địa điểm sản xuất ở Beiersdorf để tạo ra khoảng 830 MWh điện mỗi năm.
Tháng 11 năm 2022, Công ty Điện lực ACWA thông báo rằng: PT Perusahaan Listrik Negara (Persero) - Công ty điện lực nhà nước của Indonesia đã chọn công ty này để phát triển hai dự án điện mặt trời nổi. Liên doanh đầu tiên của công ty tại Đông Nam Á cũng như dự án điện mặt trời nổi đầu tiên của Công ty đang được xây dựng bởi ACWA Power. Các cơ sở này sẽ được đặt tên là dự án Điện mặt trời nổi Sagending và dự án Điện mặt trời nổi Singkarak. Mỗi cơ sở sẽ có công suất lắp đặt lần lượt là 60 MW và 50 MW, với tổng giá trị đầu tư là 105 triệu USD.
Tháng 3 năm 2023, hãng Mitsubishi Heavy Industries, Ltd. và PT. PLN Nusantara Power - một công ty con của nhà cung cấp điện quốc doanh Indonesia (Persero) đã ký một thỏa thuận để bắt đầu ba nghiên cứu kỹ thuật liên quan đến đồng đốt nhiên liệu nhằm ít sử dụng cacbon hơn tại các nhà máy điện do Nusantara Power sở hữu và vận hành.
Chính sách giá điện của Indonesia:
Năm 2021, giá điện trung bình ở mức 1.333 Rupiah Indonesia (2.091 VNĐ)/kWh), cho thấy mức giảm nhẹ so với năm trước. Giá điện ở Indonesia do Chính phủ quy định và thay đổi theo nhóm người tiêu dùng. Indonesia đưa ra cách thanh toán trả trước tiền điện.
Theo báo trực tuyến Benarnews (BNO) của Indonesia: Trung tuần tháng 6/2022, Chính phủ Indonesia thông báo tăng giá điện từ 17,6 đến 36,6% đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình có thu nhập trung bình đến cao lắp đặt nguồn điện 3,5 kVA trở lên.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản cho biết: Quyết định tăng chi phí điện là do đồng Rupiah suy yếu và giá dầu thô tăng cao sau khủng hoảng năng lượng khiến việc sản xuất điện ở Indonesia dựa vào nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Phương án tăng giá điện này dự kiến sẽ tiết kiệm được 3,1 nghìn tỷ Rupiah (210,6 triệu USD) tiền trợ cấp điện hàng năm.
Chủ tịch PLN Darmawan Prasodjo cho biết: Chính phủ đã quyết định không tăng giá điện công nghiệp vì muốn kích thích nền kinh tế và giữ mức lạm phát thấp.
Giá điện ở Indonesia tuân theo cấu trúc biểu giá nhóm - có nghĩa là người tiêu dùng phải trả mức giá cận biên trên mỗi kilowatt giờ (kWh) cao, nếu sử dụng số lượng nhiều. Mỗi nhóm trả một khoản phí cơ bản và phí sử dụng khác nhau. Phí cơ bản phụ thuộc vào công suất lắp đặt, trong khi giá sử dụng điện tăng theo mức sử dụng hàng tháng.
Để thanh toán hóa đơn tiền điện ở Indonesia, người tiêu dùng có thể tùy chọn sử dụng thanh toán trả trước, hoặc thanh toán sau. Tùy chọn trả trước cho phép người tiêu dùng chỉ trả tiền cho những gì họ sử dụng mà không phải trả một khoản phí tối thiểu. Việc gia tăng sử dụng ví điện tử cho các hóa đơn và thanh toán ở Indonesia có nghĩa là các khoản thanh toán giờ đây có thể được thực hiện thông qua chứng từ mua hàng và ngân hàng trực tuyến.
Nhà cung cấp điện chính của Indonesia là Perusahaan Listrik Negara (PLN) thuộc sở hữu của Chính phủ và kiểm soát việc truyền tải và phân phối điện của đất nước. Do đó, các nhà sản xuất điện độc lập có nghĩa vụ bán điện cho PLN. Tuy nhiên, PLN dựa vào trợ cấp điện từ Chính phủ Indonesia để định giá điện ở mức thấp.
Indonesia được biết đến với các khoản trợ cấp điện lớn, nhưng đã thực hiện các bước quan trọng để giảm các khoản này vào năm 2013. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Indonesia đã áp dụng lại các khoản trợ cấp để giữ giá điện ổn định.
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của Indonesia sau tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra một số chương trình cứu trợ tiền điện để giảm bớt gánh nặng cho người dân Indonesia. Tuy nhiên, điều này cản trở kế hoạch ban đầu của quốc gia về giảm trợ cấp.
Giá điện sinh hoạt ở Indonesia giai đoạn tháng 1-3/2023:
TT | Loại | Công suất | Phí công suất Rp/kVA/th | Quy ra VNĐ/ kVA/tháng | Phí sử dụng Rp/kWh | Quy ra VNĐ/kWh |
1 | R-1/TR | 900 VA | 54080 | 84906 | 1352 | 2123 |
2 | R-1/TR | 1300 VA | 57788 | 90727 | 1444,7 | 2268 |
3 | R-1/TR | 2200 VA | 57788 | 90727 | 1444,7 | 2268 |
4 | R-2/TR | 3500 VA | 67981 | 106730 | 1699,53 | 2668 |
5 | R-3/TR | 6600 VA | 67981 | 106730 | 1699,53 | 2668 |
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam