Nhu cầu điện năm nay tăng cao, dự báo cung ứng điện cho mùa hè sẽ căng thẳng Ảnh: Đức ThanhTiêu thụ điện tăng mạnh
Thống kê của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 11/3, tăng trưởng tiêu thụ điện cả nước ở mức 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 9,8%, miền Nam tăng 12,9%, miền Trung tăng 8,3%.
Mức tăng trưởng này đã vượt xa mức dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện là 9,15% theo Kế hoạch vận hành hệ thống điện của năm 2024, do Bộ Công thương ban hành tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT hồi tháng 11/2023.
Đáng nói, mức tăng trưởng 9,15% cũng là mức cao nhất trong 8 phương án tính toán được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra, dựa trên thực tế tiêu thụ điện những năm gần đây. Trước đó, năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,2 tỷ kWh, tăng 4,4% so với năm 2022, thấp hơn 4,3 tỷ kWh so với kế hoạch năm được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022.
Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi thực tế tiêu thụ điện từ đầu năm tới giữa tháng 3 đã tăng trưởng tới 10,8%. Càng đáng chú ý là hiện chưa bước vào cao điểm nắng nóng, thường diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.
Theo thống kê của ngành điện, tiêu thụ điện bình quân ngày trong tuần gần nhất, từ ngày 11/3 đến 18/3 đã lên tới 825,1 triệu kWh/ngày, tăng so với tuần liền kề trước đó tới 6,2 triệu kWh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Công thương và EVN đã làm việc với các nhà máy nhiệt điện Na Dương, Mông Dương 1, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Hải Phòng, Phả Lại, Nghi Sơn 1, Nghi Sơn 2, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân…; các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La; Công ty Điện lực Bắc Giang, trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, 500 kV Nho Quan, 500 kV Hòa Bình, nhằm rà soát tình hình xử lý sự cố thiết bị tại các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo vận hành, điều tiết hồ chứa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải - lưới điện phân phối. Phối hợp với các đơn vị liên quan, đảm bảo cung cấp điện cho giai đoạn mùa khô 2024.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cũng cho hay, trong 2 tuần đầu của tháng 3, sản lượng điện nhận tại TP.HCM đã đạt gần 82 triệu kWh/ngày, tăng vượt hơn sản lượng bình quân 74,5 triệu kWh/ngày của năm 2023.
EVNHCMC cũng dự báo, sản lượng điện bình quân của tháng 3 sẽ đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với sản lượng điện bình quân của cùng kỳ năm 2023 (78,33 triệu kWh/ngày).
Trước đó, sản lượng điện tiêu thụ bình quân của 2 tháng đầu năm 2024 đạt 75,34 triệu kWh/ngày, cao hơn 11,39% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo quy luật thời tiết, quý II hàng năm tại khu vực miền Nam sẽ là giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên 37 - 40 độ C, do vậy, nhu cầu sử dụng điện càng tăng cao.
Đại diện EVNHCMC cũng đưa ra dự báo, sản lượng điện nhận bình quân ngày của các tháng từ tháng 4 đến tháng 6 tại riêng TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cao, đạt 84,3 - 87,6 triệu kWh/ngày. Dự báo đỉnh điểm trong tháng 4 và tháng 5/2024 sẽ có một số ngày điện nhận có thể vượt trên 95 triệu kWh/ngày. Đây sẽ là mức cao nhất, chưa từng có trong lịch sử tại TP.HCM.
Không kém cạnh, tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam thuộc địa bàn quản lý của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ cũng đạt 13 tỷ 575,74 triệu kWh, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Các tỉnh, thành phố có tỷ trọng công nghiệp, xây dựng cao đều có mức tăng trưởng tiêu thụ điện cao như Tây Ninh tăng 29,6%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 14,9%, Long An tăng 14,2%, Đồng Nai tăng 11,4%.
Ngay cả miền Bắc, dù chưa phải đối mặt với bất kỳ đợt nắng nào, thì lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm của 27 tỉnh, thành phố do Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý cũng có mức tăng trưởng 12,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Dồn sức lo cấp điện
Từ tháng 11/2023, 12 nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN ký cam kết thi đua giảm sự cố, đảm bảo sẵn sàng phát điện theo 3 chỉ tiêu: Hệ số đáp ứng nhà máy điện; Suất sự cố nhà máy điện; Tỷ lệ ngừng máy sửa chữa bảo dưỡng.
Sở dĩ sự quan tâm được đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than bởi đây là nguồn cung quan trọng, bên cạnh thủy điện trong các tháng cao điểm mùa khô ở miền Bắc (tháng 4 đến tháng 6) trước khi có lũ đầu mùa về, hay nguồn cung khí trong nước không dồi dào như trước.
Nhất là khi cùng thời gian này, điện gió nói chung không phát huy được việc phát điện do vào mùa lặng gió, hay mặt trời không làm ra điện từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, khiến hệ thống mất tổng cộng hơn 20.000 MW công suất năng lượng tái tạo trong tổng số 80.000 MW công suất đặt.
Nhưng cũng không chờ tới dịp cao điểm, điện than mới phải đóng vai trò chủ đạo. Tuần từ 11-18/2/2024, trong tổng sản lượng 825,1 triệu kWh bình quân hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, thì các nhà máy nhiệt điện than đã đóng góp khoảng 525,9 triệu kWh/ngày, chiếm 63% nhu cầu của hệ thống.
Nguyên do bởi các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đang gặp lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25 - 96% trung bình nhiều năm. Miền Trung có tới 19/27 hồ thủy điện có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (17 - 94%), chỉ có 8/27 hồ có nước về tốt (từ 100-267% trung bình nhiều năm). Miền Nam ngoại trừ các hồ thủy điện Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm (29 - 70%).
Trong khi sản lượng điện tính theo lưu lượng nước về các ngày trong tuần hiện chỉ đạt mức trung bình khoảng 68,1 triệu kWh/ngày, nhưng sản lượng điện phát thực tế đã đạt 90,9 triệu kWh/ngày, nhằm đảm bảo cấp nước cho hạ du. Điều này cũng khiến lượng nước tích trong các hồ bị thấp hơn so với kế hoạch tháng đúng quãng thời gian chuẩn bị bước vào cao điểm mùa khô.
Bởi vậy, EVN và Bộ Công thương đã đề nghị các địa phương sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, góp phần giữ nước trong hồ cho phát điện.
Cũng để giữ nước cho các hồ thủy điện trong mùa khô, việc truyền tải điện từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc tiếp tục được duy trì ở mức cao từ đầu năm tới nay.
Tuần từ 11-18/3, truyền tải trên cung đoạn 500 kV Nho Quan - Nghi Sơn duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép, với công suất truyền tải tối đa có thời điểm đạt 2.505 MW.
Hiện ngành điện dồn sức triển khai đầu tư đường dây 500 kV mạch 3, đoạn từ Quảng Trạch tới Phố Nối, với mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 6/2024. Nếu về đích đúng hẹn, miền Bắc có thể được bổ sung khoảng 2.000 MW để ứng phó với nắng nóng mùa hè.