Việt Nam ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối (Ảnh minh họa) Ngày 6/7, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) tổ chức lễ động thổ dự án nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái.
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 475 tỷ đồng, tương đương 20,4 triệu USD. Quy mô thực hiện dự án trên 3ha, với mục tiêu sản xuất viên nén sinh khối và dăm gỗ.
Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm; dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm; kinh doanh 350.000 tấn sản phẩm dăm gỗ/năm.
Sản phẩm viên gỗ nén chất lượng cao của nhà máy được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: nguyên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện, chất đốt cho lò sưởi, thiết bị thiêu đốt công nghiệp, hệ thống xông hơi, sấy thực phẩm gia súc...
Theo ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Erex, nhà máy sản xuất viên nén được xây dựng nhằm đảm bảo nguồn nhiên liệu sinh khối trước khi xây dựng nhà máy điện sinh khối mới ở tỉnh Yên Bái. Đây là dự án đầu tiên được triển khai trong số 14 dự án của Erex tại Việt Nam.
Được biết, Công ty cổ phần Erex Erex là đơn vị có 30 năm hoạt động trong lĩnh vực điện sinh khối và hiện đang triển khai một số dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện đang đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng sinh khối tại Yên Bái, công suất 50MW và 1 nhà máy công suất tương đương tại Tuyên Quang.
Công ty cũng đang xây dựng nhà máy phát điện bằng nhiên liệu vỏ trấu tại Hậu Giang, công suất 20MW, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 01/2025 (đã khởi công xây dựng vào ngày 15/12/2022), sử dụng nhiên liệu trấu thu gom ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, Erex đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu nhà máy nhiệt điện than bằng cách đồng đốt sinh khối với than tại các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn.
Tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường. Tới năm 2030, dự kiến tỷ trọng điện năng sản xuất các nguồn điện này đạt khoảng 1,2-1,6% và định hướng tới năm 2050 đạt khoảng 2,9-3,7% tổng điện năng sản xuất.
Theo Tạp chí Đầu tư tài chính