[In trang]
10 năm điện quốc gia vượt biển, Lý Sơn tăng tốc không ngừng
Thứ ba, 08/10/2024 - 04:55
Ngày 28-9-2014, dự án cấp điện từ điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bằng cáp ngầm đã chính thức đóng điện và khánh thành. Thoáng chốc đã 10 năm trôi qua, điện lưới quốc gia vượt biển đã giúp đảo tiền tiêu phát triển không ngừng.
Từ đây, huyện đảo Lý Sơn thuần nông ngư nghiệp chuyển mình thành đảo du lịch, dịch vụ. Trước khi có điện, toàn đảo chỉ có vài nhà nghỉ nhỏ. Hiện nay, đảo có 133 cơ sở lưu trú, gồm: 14 khách sạn, 57 nhà nghỉ, 62 homestay, với 1.069 phòng, có thể phục vụ trên 3.000 khách/ngày.
Toàn cảnh đảo Lý Sơn
Hồi ức phát điện "một đêm có, một đêm không"
Những chuyện "muôn năm cũ" của một thời in hằn trong ký ức của những người sống qua một thời gian khó.
Trước năm 1999 đảo không có điện, năm 1999 một tổ máy phát điện chạy bằng diesel, cấp điện cho gần 2.000/4.000 hộ dân. Tuy nhiên mỗi xã chỉ được sử dụng điện luân phiên "một đêm có, một đêm không", thời gian phát điện sáu tiếng/ngày vào ban đêm.
Tháng 1-2002, UBND huyện Lý Sơn bàn giao hệ thống điện cho ngành điện. Sau khi tiếp nhận, qua các năm ngành điện đã cải tạo, nâng cấp, bổ sung tám tổ máy phát điện nhưng cũng chỉ phát điện từ 17h - 23h để phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu của người dân trên đảo.
Trước năm 2014, lượng tàu khách từ đất liền ra Lý Sơn rất ít và phải hơn một giờ mới tới đảo. Cuộc lênh đênh ấy khiến nhiều du khách say sóng. Thời đó, đảo chỉ có duy nhất một cảng cá dùng chung cho cả tàu khách. Vừa thoát cơn say sóng, du khách lại "ná thở" bởi mùi cá.
Lên được tới đảo, nhưng tìm được một nhà nghỉ cũng khó khăn. Bởi cả đảo chỉ có nhà nghỉ Bình Yên, nhà nghỉ Đại Dương và khách sạn Lý Sơn. Tổng số chưa đến 40 phòng.
Ông Thới mở nhà nghỉ sớm nhất ở đảo, nhà nghỉ Bình Yên với sáu phòng. Nhà nghỉ không lúc nào phòng trống, nhưng dịch vụ thì tệ. Khách than nóng không ngủ được.
"Cứ 17h chiều, nhà máy điện chạy bằng diesen mới phát điện, đến 23h là tắt. Nhưng chẳng ai dám dùng nhiều bởi "hở ra" là quá tải. Cực trăm bề vì thiếu điện", ông Thới kể.
Buối tối ở Lý Sơn chẳng có ngọn đèn đường nào. Dịch vụ đêm được "đóng khung" bởi vài quán xoa xoa, chè. Một vài quán gần cầu cảng muốn bán đêm phải chạy máy nổ. Khách vừa nhâm nhi vừa phải nghe tiếng máy nổ inh tai.
Thậm chí, đội tàu cá ở Lý Sơn không thể nhập nhiên liệu, đá lạnh... để vươn khơi bởi cả đảo không có cơ sở nước đá nào. Họ phải tốn chi phí, cho tàu chạy vào cảng Sa Kỳ nhập nhu yếu phẩm.
Giáo dục và y tế cũng vì thiếu điện mà chẳng thể nâng cấp cho bài bản, dù chủ trương chung luôn dành những gì tốt nhất cho hòn đảo tiền tiêu này.
Điện lưới đã giúp Lý Sơn phát triển, du khách đến nhiều hơn.
Điện quốc gia vượt biển, Lý Sơn bừng sáng
Ngày 8-9-2014, những mét cáp ngầm cuối cùng trong gần 27km cáp ngầm kéo điện từ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn ra đảo Lý Sơn tiếp bờ. Ngày 28-9-2014, chính thức đóng điện. Cuộc chuyển mình nơi đảo tiền tiêu bắt đầu.
Từ khi có điện lưới quốc gia, đêm trên đảo không còn tĩnh mịch nữa, ánh sáng phủ khắp nơi. Những danh thắng như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục... trở thành điểm tham qua thú vị vào ban đêm. Những đình, miếu, lăng... gắn liền với tập tục biển khơi ở quê hương Hải đội Hoàng Sa cũng "tham gia" vào hoạt động kinh tế đêm.
Trong quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, UBND tỉnh xác định xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị biển. Tỉnh đặc biệt ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đặt mục tiêu đưa Lý Sơn trở thành đô thị loại 4 (giai đoạn 2026 - 2030) và sớm đạt tiêu chí đô thị loại 3 - đô thị biển, đảo đặc sắc của tỉnh và của cả nước trong tương lai.
Cơ cấu kinh tế ở Lý Sơn đã thay đổi, bên cạnh câu chuyện củ tỏi, con cá, bây giờ tính thêm đến phát triển du lịch, dịch vụ. Tỉ trọng ngành thương mại dịch vụ không ngừng gia tăng, dần trở thành mũi nhọn.
Sáu tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ chiếm khoảng 42% tổng giá trị sản xuất của huyện đảo. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thương mại dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020 là 25,2%/năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đặc biệt là doanh thu vận tải, tăng bình quân 40%. Tổng doanh thu hoạt động thương mại dịch vụ các năm 2019 - 2021 đạt khoảng 1.000 tỉ đồng.
Hiện Lý Sơn có khoảng 2.000 hộ dân hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và khoảng 3.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Nếu không có dịch COVID-19, có lẽ tốc độ phát triển của Lý Sơn đã tăng trưởng hơn rất nhiều. Năm 2019, đảo đón hơn 265.000 du khách. Nhưng con số này trở nên khiêm tốn khi dịch bệnh. Hiện Lý Sơn đang dần quay trở lại "đường ray" tăng trưởng. Trong sáu tháng đầu năm, đã có 80.000 du khách ra đảo. Hai tháng gần đây khách sạn, nhà nghỉ trên đảo luôn trong tình trạng kín phòng.
Bà Phạm Thị Hương, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết bà sinh ra và lớn lên trên đảo, chứng kiến những năm tháng không điện, rồi điện chập chờn, cuộc sống của người dân rất khó khăn, đa phần lam lũ với nông ngư nghiệp.
"Rất cảm ơn ngành điện khi kéo điện quốc gia ra đảo. Nếu không có điện lưới, Lý Sơn sẽ khó phát triển như hiện nay. Rõ rệt nhất về giá trị của điện là y tế và giáo dục trên đảo đã khác xưa rất nhiều.
Trung tâm y tế huyện có đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh như đất liền. Y bác sĩ chuyên môn cao cũng về đảo công tác nhiều hơn. Học sinh trên đảo được học tập và đỗ đạt trong các kỳ thi nhiều hơn. Có em còn là thủ khoa đầu ra Đại học Y Hà Nội", bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, nhờ có điện mà việc thu hút đầu tư dễ dàng hơn. Thu nhập bình quân tại đảo hiện nay là 37 triệu đồng/người, con số mà trước năm 2014 có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Hạnh phúc hơn nữa là điện lưới quốc gia xuyên biển đã "kéo" nhiều người con của Lý Sơn rời đảo trước đây, trở về đầu tư phát triển quê hương. Trước đây, anh Nguyễn Nhân rời đảo, đi làm ăn xa. Khi đảo có điện lưới quốc gia, anh quyết định về quê đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng Đảo Ngọc Lý Sơn. Năm 2019, khách sạn chính thức đón khách và lượng khách du lịch tăng đều qua các năm.
"Thật sự trước đây, tôi không dám đầu tư khách sạn ở đảo. Nhưng từ khi có điện, khách sạn được đầu tư rất nhiều, điện đã giúp tôi và nhiều anh em trở về phát triển quê mình thay vì xa xứ mưu sinh", anh Nhân chia sẻ.
Theo EVN