[In trang]
Tiêu thụ điện tăng cao, Bình Dương huy động tối đa điện mặt trời mái nhà
Thứ bảy, 29/04/2023 - 07:12
Lợi ích của nguồn điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong các năm qua đã hỗ trợ giải quyết rất hiệu quả bài toán quá tải lưới điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Điện mặt trời mái nhà gắn trên nhà xưởng tại địa bàn tỉnh Bình Dương
Đại diện Công ty Điện lực tỉnh Bình Dương cho hay do nắng nóng trong những tháng mùa khô, lượng tiêu điện năng tăng cao, nên huy công ty động tối đa nguồn mặt trời mái nhà để đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cũng vừa phát đi thông báo đối với các công ty điện lực các tỉnh về công suất huy động của nguồn điện mặt trời mái nhà để phụ tải vào hệ thống nguồn điện, nhằm cung ứng điện đang tăng mạnh. Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng ở các miền, dự báo phụ tải tăng cao trong các ngày tới, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thông báo cập nhật về huy động tối đa điện mặt trời mái nhà của công ty điện lực nhằm phụ tải cho ngành điện.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, các dự án điện mặt trời mái nhà đang phát huy năng lực, đóng góp vào phụ tải cho ngành điện trong cao điểm mùa khô với công suất khá ổn định. Cụ thể, từ năm 2021 đến hết quý I/2023, Điện lực Bình Dương đã mua điện từ nguồn điện mặt trời mái nhà 1 tỷ 850 triệu kWh; trong đó năm 2021 là 829 triệu kWh; năm 2022: 812 triệu kWh; riêng quý I năm 2023 là 209 triệu kWh, chiếm 5,6% sản lượng điện thương phẩm. Vào thời điểm thuận lợi nguồn điện mặt trời mái nhà phát công suất khả dụng đạt gần 400 MW, chiếm gần 14% tổng công suất phụ tải toàn hệ thống trên địa bàn tỉnh Bình Dương (tính tại thời điểm quý I/2023).
Theo Công ty Điện lực Bình Dương, điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh đang được phát triển chủ yếu thông qua loại hình lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái các công trình xây dựng như mái nhà xưởng công nghiệp, mái trang trại nông nghiệp, mái nhà dân…
Tính đến ngày 31/3, Công ty Điện lực Bình Dương đang quản lý 4.064 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt là 775.632 kWp; trong đó, gồm 11 dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư với tổng công suất 364 kWp và 4.053 dự án do tư nhân đầu tư và đã được ký hợp đồng mua điện trực tiếp từ các chủ đầu tư với tổng công suất 775.268 kWp.
Với mức công suất nêu trên, thời gian qua việc sử dụng điện từ nguồn điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ.
Điện mặt trời mái nhà cũng là một cách cung cấp năng lượng tại chỗ cho khách hàng sử dụng điện, không có phát thải khí nhà kính trực tiếp do không phải đốt nhiên liệu hóa thạch. Điều đó góp phần bảo vệ môi trường sống; không những thế, các tấm quang điện còn là giải pháp chống nóng hiệu quả cho mái nhà, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đã giúp nhiệt độ trên mái giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Điện Hoàng Ngân Phát, cho biết lợi thế của điện mặt trời mái nhà là phát điện tại chỗ, góp phần phụ tải trong mùa khô, mùa cao điểm khi khách hàng sử dụng điện tăng cao mà còn tháo gỡ cho ngành điện về nguồn lực đầu tư đường truyền tải điện từ xa đến, phải đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt và giảm sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch là xu hướng tất yếu của thế giới.
Lợi ích của nguồn điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong các năm qua đã hỗ trợ giải quyết rất hiệu quả bài toán quá tải lưới điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao của khách hàng, đặc biệt là mùa nắng nóng và phát triển phụ tải công nghiệp, hầu hết nguồn điện mặt trời mái nhà sản xuất được tiêu thụ tại chỗ nên ngành điện tiết kiệm được khoản chi phí đầu tư nguồn và lưới điện phân phối.
Cũng theo ông Toàn chia sẻ, hiện các nước phát triển như châu Âu, Hoa kỳ đang đặt ra các yêu cầu về sử dụng năng lượng tái tạo vào hoạt động sản xuất. Đơn cử như Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/12/2022 thông báo sẽ thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Việc này sẽ đòi hỏi các nhà máy sản xuất công nghiệp tại Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo vào hoạt động sản xuất; trong đó, điện mặt trời mái nhà là một giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Bình Dương không có các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió… nhưng lại có rất nhiều mái nhà xưởng công nghiệp.
Còn về Công ty điện lực Bình Dương cho hay, đang phải tuân thủ nghiêm mệnh lệnh điều độ vận hành lưới điện của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thông qua Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam vào những thời điểm thừa công suất trên lưới điện (ngày nghỉ Lễ, Tết – trong khung giờ từ 08h30 đến 15h00) phải thực hiện mệnh lệnh điều tiết giảm nhận công suất huy động từ nguồn mặt trời mái nhà nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong vận hành cho hệ thống điện Quốc gia.
Tuy nhiên, hiện trong các tháng đầu năm đang là mùa khô, nắng nóng và nhu cầu điện tăng cao trên địa bàn Bình Dương và vùng Đông Nam bộ nên trong thời gian qua trung tâm điều độ huy động tối đa nguồn điện mặt trời mái nhà để đảm bảo cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.
Theo TTXVN.