[In trang]
PVN nỗ lực phát triển điện gió ngoài khơi
Thứ năm, 31/08/2023 - 09:09
Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch điện VIII, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang nỗ lực nghiên cứu để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

PVN có nhiều lợi thế khi thực hiện điện gió ngoài khơi. (Ảnh: PVN)
Nhiều thế mạnh
Theo PVN, các dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi có tính tương đồng. Cụ thể, PVN cho rằng, hiện nay đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, ngoài phần tua bin và cáp điện ngầm do một số ít các công ty nước ngoài độc quyền về công nghệ, Việt Nam chưa sản xuất được, thì các phần còn lại đều tương đồng về công nghệ với ngành dầu khí ngoài khơi.
Công trình dầu khí và điện gió ngoài khơi đều là các dự án với kết cấu bằng thép được thi công chế tạo hoàn thiện trên bờ và lắp đặt ngoài khơi. Các dự án điện gió ngoài khơi cũng phải thực hiện các công tác thiết kế, mua sắm, chế tạo và thi công theo những yêu cầu khắt khe như các công trình dầu khí, bảo đảm an toàn khi thi công xây lắp.
Tương tự như các giàn khoan dầu khí, các dự án điện gió ngoài khơi cũng cần xây dựng phần móng cho các tua bin gió và các trạm biến áp trên biển; rải và lắp đặt cáp ngầm kết nối hệ thống, cáp xuất điện... Khối lượng và kích thước của các móng tua bin gió (chân đế tua bin gió chỉ khoảng 0,8 - 1,2 nghìn tấn) khá nhỏ so với móng cho các dự án khai thác dầu khí mà PVN đã thực hiện. Trên thực tế, về chân đế giàn khoan dầu khí, PVN đã đóng tới 15 nghìn tấn và có khả năng đóng mới tới trên 20 nghìn tấn. Còn khối lượng, kích thước cáp ngầm cũng tương tự như khối lượng, kích thước cáp ngầm sử dụng tại các công trình dầu khí, nhưng dễ thi công hơn nhiều so với công tác rải ống.
Ngoài ra, PVN còn có các lợi thế khác khi thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi. Cụ thể, PVN là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có các dữ liệu địa chất đáy biển quốc gia được thu thập và lưu trữ trong quá trình khảo sát, tìm kiếm, thăm dò dầu khí. PVN có năng lực cần thiết để cung cấp các dịch vụ khảo sát (khảo sát đáy biển, khảo sát kỹ thuật vật lý…) là các hạng mục công việc thực hiện thường xuyên trong hoạt động dầu khí và nghiên cứu tiền khả thi dự án điện gió ngoài khơi.
PVN có đội ngũ chuyên sâu để thực hiện toàn bộ các giai đoạn thiết kế của dự án điện gió ngoài khơi, từ công tác soạn thảo phương án, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, thiết kế thi công cho các công trình khai thác trên biển. Đồng thời, đây cũng là đơn vị có thể tìm kiếm nguồn vật tư, thiết bị đầu vào với chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh khi tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, PVN cũng là đơn vị có năng lực thi công, năng lực vận chuyển, lắp đặt thiết bị biển…
Cần có cơ chế thúc đẩy
Theo PVN, Tập đoàn này có đơn vị con là Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), có nhiệm vụ phối hợp với một số bộ phận của PVN để nghiên cứu, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Đây cũng là đơn vị đã có kinh nghiệm làm một số dự án điện gió ngoài khơi tại nước ngoài. Mới đây, PTSC cũng đã được trao giấy phép khảo sát để triển khai các công tác liên quan đến việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore. Hồi đầu tháng 8, PVN, PTSC cũng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn về nội dung khảo sát các vùng biển tiềm năng để hướng đến đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Quy hoạch điện VIII.
Những động thái trên cho thấy PVN đang nỗ lực xúc tiến, chuẩn bị để đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để phát triển điện gió ngoài khơi đáp ứng được yêu cầu, tiến độ mà Quy hoạch điện VIII đặt ra, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để các doanh nghiệp như PVN phát triển các dự án.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhận định, mục tiêu điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII là hết sức thách thức trong bối cảnh nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến thu xếp vốn, hiệu quả đầu tư, các vướng mắc về cơ chế chính sách,… Nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ vỡ quy hoạch là rất lớn vì từ nay đến 2030 là rất cận kề với lộ trình triển khai các dự án mất từ 7 - 10 năm.
Theo các doanh nghiệp và nhà đầu tư, với xuất phát điểm là con số 0, trong khi mục tiêu đặt ra là 6.000MW vào năm 2030, thời gian còn lại là không còn nhiều, trong khi đó phát triển một dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn. Chỉ tính riêng giai đoạn khảo sát địa vật lý, thủy văn, đo gió có thể đã mất vài ba năm. Do đó, nếu không nhanh chóng giải quyết vướng mắc về chính sách, đồng thời có cơ chế để thúc đẩy thì rất khó để hiện thực hóa mục tiêu điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam