Cà Mau bứt phá trong phát triển năng lượng tái tạo
Thứ tư, 30/08/2023 - 10:29
Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng điện gió, hiện trên địa bàn tỉnh có 14 dự án điện gió đã được cấp chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800MW...
Ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết Trung ương (TW) Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trao đổi với phóng viên về những vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực này.
PV: Với vị trí địa lý 3 mặt giáp biển, liệu đó có phải là điều kiện thuận lợi của Cà Mau trong việc phát triển các dự án điện gió, thưa Chủ tịch?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Đúng vậy. Tỉnh Cà Mau là địa phương ở cực Nam của Tổ quốc, có địa hình thấp và bằng phẳng, 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển trên 254 km, thềm lục địa rộng lớn, điều kiện tốc độ gió biển ven bờ trung bình từ 6,3 - 7 m/s nên có lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng gió ven bờ, tổng tiềm năng ước đạt trên12.000 MW. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Cà Mau là vùng đất bãi bồi, không dân cư sinh sống, nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển, tập kết vật tư, thiết bị để xây dựng nhà máy điện gió.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có các dự án Đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV Sông Đốc, đường dây 110kV trạm biến áp 110kV Phú Tân, đường dây 110kV Năm Căn - Rạch Gốc và trạm 110kV Rạch Gốc đã đóng điện vận hành; đường dây và trạm biến áp 220kV Cà Mau 2 - Năm Căn và dự án trạm biến áp Nguyễn Huân đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 đều là các công trình lưới điện dọc theo các tuyến ven biển, là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dự án điện gió, đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia để giải phóng công suất nhà máy.
PV: Ông có thể cho biết, tính tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có bao nhiêu dự án, tổng công suất các dự án? Các dự án điện gió được triển khai ở khu vực nào?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng cộng 14 dự án điện gió đã được cấp chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800MW, đang triển khai thực hiện. Cụ thể: Đã có 3 dự án với tổng công suất 100MW vận hành thương mại: Nhà máy Điện gió Tân Thuận giai đoạn 1 và 2, tổng công suất 75MW tại xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) và Nhà máy Điện gió Tân Ân 1 - giai đoạn 1 công suất 25MW tại xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển).
Có 1 dự án Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 2021 - 2025 công suất 45MW tại xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) đã thi công hoàn thành nhưng chưa hòa lưới.
Đường bờ biển dài mang lại lợi thế cho phát triển điện gió tại Cà Mau.
Hiện có 6 dự án với tổng công suất 430MW đang triển khai thi công: Cụm Nhà máy điện gió Cà Mau 1 tổng công suất 350MW (gồm 4 nhà máy 1A, 1B, 1C, 1D) tại xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) và xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 2021 - 2025 công suất 30MW tại xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển); Dự án Nhà máy điện gió Viên An công suất 50MW tại xã Viên An Đông và xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (trong đó đã thi công hoàn thành đủ điều kiện vận hành 25MW).
Đồng thời, có 4 dự án với tổng công suất 225MW đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để chuẩn bị thi công: Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 công suất 100MW tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); Nhà máy điện gió An Đông 1 công suất 50MW tại xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển); Nhà máy điện gió Khánh Bình Tây công suất 50MW tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) và Nhà máy điện gió Tân Thuận giai đoạn 3 công suất 25MW tại xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi).
PV: Thưa ông, bên cạnh những thuận lợi, ông có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà địa phương phải giải quyết trong quá trình triển khai, phát triển các dự án điện gió? Và giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó như thế nào?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn một số khó khăn như: Đối với các công trình lưới điện để phục vụ giải phóng công suất cho các dự án điện gió do ngành điện làm chủ đầu tư hiện chậm tiến độ theo quy hoạch. Nguyên nhân do thiếu nguồn vốn đầu tư, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh hồ sơ kỹ thuật của dự án... làm ảnh hưởng đến tiến độ đấu nối các dự án điện gió...
Ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện cho dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, khung giá này thấp hơn giá theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ khoảng 18,31%; ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư. Đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn phương án đàm án giá bán điện; các nhà máy điện gió đã thi công hoàn thành (hoặc hoàn thành một phần), đủ điều kiện vận hành thương mại đang đàm phán giá tạm thời để phát điện lên lưới trong khi chờ hướng dẫn phương án đàm phán giá điện từ Bộ Công Thương.
Phát triển năng lượng tái tạo góp phần hạn chế tác động của môi trường, biến đổi khí hậu (Ảnh: Bích Ngọc).
Tiềm năng năng lượng gió của tỉnh Cà Mau rất lớn, thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu và đề xuất dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau không được phê duyệt tuyến đường dây và trạm biến áp 500kV đến trung tâm phụ tải các dự án năng lượng gió, tạo điều kiện giải tỏa công suất các nguồn năng lượng nên chưa phát huy được lợi thế của tỉnh. Ngoài ra, các dự án năng lượng gió chưa có danh mục cụ thể trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện.
Nhận thức rõ những khó khăn trên, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị các cấp thẩm quyền chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình nguồn, lưới điện chậm tiến độ. Đồng thời, tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Công Thương ghi nhận các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có các nguồn năng lượng gió, trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, để tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện các dự án theo quy định.
PV: Vậy trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau có những cơ chế, chính sách ưu tiên gì để tạo hấp lực trong thu hút đầu tư nói chung, trong đó có lĩnh vực năng lượng điện gió?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Tỉnh Cà Mau định hướng phát triển ngành năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thiện, gửi lại Hội đồng thẩm định rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong đó có tích hợp Phương án phát triển hạ tầng năng lượng của tỉnh và danh mục đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm các dự án điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi). Khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt và giá bán điện đối với các dự án đầu tư mới được ban hành, tỉnh Cà Mau sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự... khi triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi tỉnh Cà Mau. Tỉnh đang hoàn thiện nội dung Đề án (dự kiến nguồn năng lượng để xuất khẩu phần lớn từ điện gió ngoài khơi), để trình Bộ Công Thương phê duyệt. Đây là cơ sở để tỉnh Cà Mau tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp năng lượng gió trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Theo Báo Pháp luật