EVN: Tập trung mọi nỗ lực để đảm bảo việc cung ứng điện năm 2024
Thứ tư, 03/01/2024 - 10:09
Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN đã chủ động trong công tác dự báo nhu cầu điện, phối hợp xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, vùng, miền bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định.
Sửa chữa, vận hàng lưới điện, sẵn sàng cho việc cung ứng điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống Nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt…
Đây là mục tiêu mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt ra tại Hội nghị: “Tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024,” do EVN tổ chức ngày hôm nay 2/1, tại Hà Nội.
Không để xảy ra sự cố do chủ quan
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2024, Tập đoàn dự kiến điện thương phẩm năm từ 262,26-269,3 tỷ kWh; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6,05%; kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 101.911 tỷ đồng cũng như phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Do vậy, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%, tập đoàn đã chủ động trong công tác dự báo nhu cầu điện, theo dõi sát diễn biến nhu cầu điện trong năm 2024 để phối hợp xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, vùng, miền bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định.
Cùng với đó, EVN sẽ chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện ngay từ đầu năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Tập đoàn sẽ chủ động tích cực, kịp thời hơn nữa việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường và tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. không để lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan,” ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, EVN cũng đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện, như: dự án thủy điện Ialy mở rộng (quý 4/2024) và 2 dự án điện Mặt Trời Phước Thái 2, 3 (Quý 2/2024). Đẩy nhanh thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng (hoàn thành 2025) và nhiệt điện Quảng Trạch I (phát điện tổ máy năm 2026), cũng như khởi công các dự án nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái trong năm 2024...
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của EVN. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
EN phấn đấu hoàn thành 190 dự án lưới điện từ 110-500kV, trong đó tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành ĐZ 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch-Phố Nối tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng chia sẻ nhiều khó khăn, như việc khó cân đối được tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào (như giá nhiên liệu, tỷ giá, ...). Việc đảm bảo cung ứng điện gặp khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn; việc đảm bảo nhiên liệu (than, khí...) vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; mất cân đối trong cân đối cung-cầu giữa các miền…
Trước yêu cầu đề ra, đại diện ngành điện kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025; Xem xét, phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn 2021-2025 và Đề án tách A0 thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sau khi Ủy ban Quản lý vốn trình.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; Sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu 225MW nguồn điện tại Lào (EVN đã trình Bộ Công Thương)….
Sẵn sàng các giải pháp cung ứng điện
Theo báo cáo của EVN, đến cuối năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt xấp xỉ 80.555MW, tăng gần 2.800 MW so với năm 2022, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664 MW và chiếm tỷ trọng 27%, tua bin khí và dầu chiếm 10,3%, nhiệt điện than chiếm 33,2% và thủy điện là 28,4%.
Đáng chú ý, nguồn của EVN chiếm 37,3%, TKV và PVN là 10%, còn lại là nhà đầu tư tư nhân và BOT.
Với cơ cấu nguồn như vậy, ngoài nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo giá thành tương đối ổn định, còn lại trên 43% nguồn điện giá biến đổi theo giá than, giá khí và dầu, ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện và giá thành của EVN.
Trong khi đó, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56%. Điện sản xuất và mua của EVN là 271,1 tỷ kWh, tăng 3,45% (trong đó điện sản xuất của các nhà máy điện thuộc Công ty mẹ EVN chiếm xấp xỉ 14,7%, các Công ty mua bán điện (GENCO) chiếm khoảng 27,8%, mua của các nguồn ngoài chiếm 57,4%)...
Trước các kiến nghị của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay Bộ Công Thương đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024, rrong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường điện, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư) để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh đến việc đảm bảo cung ứng điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Tuy vậy, ông Tân yêu cầu tập đoàn này chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, để đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cơ quan quản lý Nhà nước cũng lưu ý EVN phối hợp với các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam (PVN) và Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo trong việc đảm bảo cấp than, khí cho sản xuất điện, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.../.
Theo Vietnam+