Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 05/12/2024 | 17:20 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển năng lượng tái tạo

08/11/2024
Theo đại biểu Quốc hội, Luật Điện lực (sửa đổi) cần phải thiết kế theo hướng đáp ứng cả 2 mục tiêu, vừa đạt mục tiêu trước mắt là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa phải đạt mục tiêu lâu dài là thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam, đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, việc khai thác hiệu quả, phát triển dự án điện năng lượng tái tạo là yêu cầu cấp thiết.
Chiều 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Thiếu hành lang pháp lý làm lãng phí nguồn lực
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, nhằmphát triển điện lực bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đặc biệt quan tâm đến việc khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên sẵn có, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo. “Nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hòa lưới thương mại” - đại biểu Tuấn nhấn mạnh.
Theo đại biểu, khái niệm nhà máy điện gió gần bờ và nhà máy điện gió ngoài khơi nêu tại khoản 5 Điều 31 và khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật là chưa rõ, chưa thống nhất, khó xác định và sẽ dẫn đến khó thực hiện nên đề nghị cần phải điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh để dễ thực hiện.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Về quy định điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi, đại biểu Tuấn đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung, hình thức đầu tư tư nhân và đầu tư có vốn nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng. Bởi Dự thảo Luật chỉ quy định trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được tham gia thực hiện dự án điện gió ngoài khơi với sự tham gia của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% hoặc cổ phần chi phối. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ làm hạn chế các nguồn lực đầu tư khác tham gia vào phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có nguồn lực đầu tư tư nhân và nguồn lực đầu tư có vốn nước ngoài.
Cùng với đó, Dự thảo Luật cần có quy định chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất thiết bị điện gió đến Việt Nam đầu tư chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế…
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho rằng, các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và yêu cầu kỹ thuật cao, hầu hết các dự án điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ được phát triển bởi khu vực tư nhân sử dụng vốn vay quốc tế và các bên cho vay quốc tế đều yêu cầu phải có các cơ chế để tài trợ vốn cho các dự án điện quy mô lớn, nhằm bảo đảm an toàn của dòng tiền.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định căn cứ, mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết bổ sung các cơ chế để bảo đảm tính khả thi cho dự án và khả năng vay vốn. Cụ thể gồm: các cơ chế bảo lãnh, bảo đảm và hỗ trợ đầu tư; bảo lãnh, hỗ trợ cân đối ngoại tệ và chuyển đổi ngoại tệ đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoặc vốn vay quốc tế; cơ chế bảo đảm trong trường hợp thay đổi luật và chính sách; cơ chế chấm dứt hợp đồng, bao gồm cả sự kiện chấm dứt hợp đồng và công thức tính giá mua lại dự án của Nhà nước khi chấm dứt hợp đồng; các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư; các cơ chế khác về ưu đãi, bảo đảm và bảo lãnh cần thiết để thu hút khuyến khích đầu tư và tài trợ vốn từ các nhà đầu tư và các bên cho vay trong nước và ngoài nước.
Quy định đầy đủ, chặt chẽ về điện hạt nhân
Để bảo đảm phát triển an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân thành công, đạt hiệu quả cao.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị xác định lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư, nguồn lực đất đai tại hai vị trí mà năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2.
“Về tiềm năng, Ninh Thuận đã được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115 năm 2018 và năng lượng tái tạo là trụ cột quan trọng số một của tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển điện, cần nghiên cứu, tôi đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói.
Theo đại biểu Hoàng Đức Chính (Đoàn Hòa Bình), việc quy định về điện hạt nhân tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng (khoảng 10% mỗi năm) và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các dự án điện hạt nhân đảm bảo cung cấp năng lượng sạch, dài hạn, ổn định cho sản xuất nhất là đối với các ngành sản xuất công nghệ cao, đòi hỏi nguồn điện ổn định.
Do đó, để hoàn thiện nội dung về điện hạt nhân trong Dự thảo Luật, đưa điện hạt nhân phát triển bền vững, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung điều khoản về việc quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án điện hạt nhân. “Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân, tăng sự đồng thuận trong xã hội”.
Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép sử dụng các nguồn tài chính đa dạng, bao gồm tài trợ quốc tế và vốn vay ưu đãi để giảm gánh nặng tài chính khi phát triển điện hạt nhân; các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ, tin rằng điện hạt nhân có thể trở thành một nguồn năng lượng quan trọng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai” - đại biểu Hoàng Đức Chính nhấn mạnh.
Phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có. Nhưng để có thì ngay từ bây giờ chúng ta phải đề cập trong luật. Những gì quy định được rõ trong luật thì ta quy định, nếu chưa rõ thì chúng ta trao quyền đó cho Chính phủ quy định và có những bước đi cụ thể. Có như vậy thì sau 10 năm chúng ta mới có những dự án điện hạt nhân.
Theo Kiểm toán 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302