Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong thời gian qua, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cho thấy sự cần thiết phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và xác định 7 luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngày 18/10/2024, Chính phủ đã ký Tờ trình số 678/TTr-CP gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trên theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các dự án luật với lý do như đã nêu tại tờ trình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trước khi thảo luận tại hội trường, ngày 2/11 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2012; 2018; 2022 và 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024).
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các Nghị quyết, hệ thống pháp luật khác.
Theo Bnews/TTXVN.