Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 05/12/2024 | 10:58 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực mới cho điện khí, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon

28/10/2024
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung những điều khoản quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của ngành điện khí.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, Quy hoạch Điện VIII đã đưa ra kế hoạch phát triển 30.424 MW công suất điện khí vào năm 2030. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp phải không ít khó khăn, từ thiếu quy định cụ thể đến lo ngại về phát thải và các thách thức trong thu xếp vốn đầu tư, đặc biệt là khi nguồn vốn chủ yếu đến từ đầu tư nước ngoài (FDI).
Để giải quyết các vấn đề trên, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung những điều khoản quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của ngành điện khí, từ đó góp phần duy trì ổn định hệ thống điện quốc gia và đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Điện khí - Giải pháp trung hòa trong chuyển đổi năng lượng
Theo Quy hoạch Điện VIII, việc phát triển điện khí được xác định sẽ đóng vai trò nền tảng với 30.424 MW công suất dự kiến, chiếm hơn 24% tổng công suất hệ thống phát điện quốc gia. Trong đó, nguồn điện khí từ khí khai thác trong nước dự kiến đạt 7.900 MW, còn lại 22.524 MW sẽ đến từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). So với nhiệt điện than, điện khí có mức phát thải thấp hơn, là lựa chọn hợp lý cho quá trình chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần thực hiện cam kết về trung hòa các-bon. Đồng thời, đây cũng là nguồn điện nền quan trọng, hỗ trợ hệ thống điện vận hành an toàn và ổn định.
LNG là tên viết tắt của Liquefied Natural Gas – khí thiên nhiên hóa lỏng. Dự kiến cả nước sẽ cần khai thác 22.524 MW điện từ nguồn khí này - Ảnh: LNG Việt Nam
Tuy nhiên, các dự án điện khí hiện nay gặp phải nhiều trở ngại về vốn đầu tư do chi phí sản xuất phụ thuộc vào giá khí biến động theo thị trường quốc tế. Điện khí là nguồn điện quy mô lớn, cần khoản đầu tư lớn, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu tín dụng như cam kết mua điện ổn định và đảm bảo các điều kiện tài chính hợp lý. Để giải quyết vấn đề này, Quy hoạch Điện VIII đã đề xuất việc Chính phủ ban hành cơ chế ưu tiên đầu tư và bảo đảm nguồn vốn, đồng thời bổ sung những quy định pháp lý cụ thể trong Luật Điện lực (sửa đổi).
Những chính sách mới từ Luật Điện lực (sửa đổi)
Trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) , các điều khoản quan trọng được bổ sung nhằm hỗ trợ phát triển điện khí một cách bền vững. Khoản 8 Điều 5 của Luật Điện lực (sửa đổi) tập trung vào việc ưu tiên phát triển điện khí nội địa và LNG với các cơ chế cụ thể như:
Ưu tiên nguồn khí trong nước: Nguồn khí nội địa sẽ được ưu tiên phát triển để đảm bảo tính ổn định và chủ động trong cung cấp năng lượng.
Cam kết sản lượng điện hợp đồng dài hạn: Chính phủ cam kết quy định cơ chế cho các dự án LNG, bảo đảm sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn. Đây là yếu tố then chốt để các nhà đầu tư có thể thu xếp nguồn cung nhiên liệu dài hạn và đảm bảo việc hoàn vốn đầu tư.
Chính sách bảo đảm lợi ích quốc gia: Đối với các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên, cơ chế bảo đảm huy động nguồn điện từ các dự án nội địa sẽ được Chính phủ quy định, để bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia và tránh phụ thuộc quá mức vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Trong khi một số dự án đã được lựa chọn nhà đầu tư, việc ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) và thu xếp vốn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã được quy định rõ tại khoản 10, Điều 130 trong Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, các dự án sử dụng LNG đã lựa chọn nhà đầu tư đúng quy định trước thời điểm Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực sẽ được áp dụng cơ chế tại khoản 8 Điều 5. Đồng thời, quy định mới này cũng yêu cầu nhà đầu tư phải đạt được thỏa thuận mua bán điện với bên mua điện trong vòng 12 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành cơ chế áp dụng. Quá thời hạn này mà chưa ký được hợp đồng, dự án sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) với các điều khoản bổ sung là cơ chế pháp lý quan trọng, giúp tháo gỡ nút thắt trong việc phát triển điện khí tại Việt Nam. Các cơ chế bảo đảm đầu tư và chính sách ưu tiên trong Luật Điện lực (sửa đổi) không chỉ giúp thúc đẩy các dự án điện khí đi vào vận hành đúng tiến độ mà còn bảo đảm lợi ích quốc gia. Trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trưởng 10-12% mỗi năm, việc đầu tư vào điện khí có ý nghĩa sống còn nhằm cung cấp điện ổn định, giảm thiểu phát thải và góp phần đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050.
Nhìn chung, sự điều chỉnh trong Luật Điện lực (sửa đổi) lần này sẽ là động lực mạnh mẽ để Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phụ thuộc vào than đá, và tiến gần hơn đến các mục tiêu bền vững mà quốc gia đã cam kết. Những chính sách này cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để đảm bảo các dự án điện khí được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả tối ưu.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước...
Theo Báo Công Thương

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302