Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 14/12/2024 | 11:48 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Sẵn sàng để mua bán điện trực tiếp từ năng lượng tái tạo

17/10/2024
Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (NLTT) với Khách hàng sử dụng điện lớn. Với cơ chế này, thị trường điện hứa hẹn sẽ tiến gần hơn tới cấp độ bán buôn và bán lẻ cạnh tranh, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào điện sạch.

Dự án nhà máy điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử/TTXVN
Để tìm hiểu rõ hơn việc Nghị định đang được triển khai ra sao và còn những vấn đề gì cần lưu ý, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực (ĐTĐL) - Bộ Công Thương.
Thưa ông, cơ chế mua bán điện trực tiếp theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP được hiểu như thế nào và có những hình thức nào?
Ngày 03/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện NLTT với Khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định số 80/2024/NĐ-CP) và có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành. Theo đó, mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán điện giữa Đơn vị phát điện NLTT với Khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện không thông qua hình thức mua bán điện truyền thống trước đây đang áp dụng là ký hợp đồng mua điện từ EVN hoặc từ các đơn vị trực thuộc EVN. Theo đó, có 2 hình thức mua bán điện trực tiếp: mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng và mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia.
Trong đó, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là trường hợp sẽ hiệu quả khi các khách hàng ở gần các nguồn NLTT và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện quốc gia do EVN hay các đơn vị trực thuộc quản lý vận hành. Trong trường hợp này, việc mua bán điện được thực hiện đơn giản, giá điện và sản lượng điện mua bán sẽ được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn.
Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia là trường hợp thường áp dụng cho các khách hàng lớn ở xa các nguồn NLTT thực hiện mua điện qua hệ lưới điện quốc gia, thông qua việc tham gia thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán phần điện năng mua từ đơn vị phát điện NLTT theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện (bao gồm: dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phân phối điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và các chi phí thanh toán khác; trong khi đơn vị phát điện sẽ được nhận các thanh toán theo quy định thị trường điện.
Ngoài các khoản thanh toán nêu trên, khách hàng hoặc đơn vị phát điện NLTT sẽ nhận được khoản thanh toán chênh lệch trên cơ sở tham chiếu giữa giá thị trường điện cạnh tranh và giá thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện sai khác (CfD) ký giữa 2 bên.
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đã ban hành được gần 3 tháng. Hiện các doanh nghiệp, cũng như các cơ quan đang triển khai thế nào và có vướng mắc gì, thưa ông?
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/7/2024, với mục tiêu của Chính phủ là ban hành có thể triển khai được ngay nên sẽ không cần ban hành Thông tư hướng dẫn. Để đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, Cục ĐTĐL đã tham mưu cho Bộ Công Thương để khẩn trương triển khai các công việc như: Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP với sự tham gia của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty, đơn vị có liên quan (hình thức họp trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương và trực tuyến qua hội nghị truyền hình).
Đồng thời ban hành nhiều văn bản và tổ chức các cuộc họp để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai các nội dung tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về điện lực, trong phạm vi quản lý, thực hiện kiểm tra giám sát việc tuân thủ quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch, cấp phép, an toàn và các quy định khác có liên quan.
Cục cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương tính toán các chi phí liên quan khi tham gia cơ chế DPPA (như chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện, chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch, hệ số tổn thất trên lưới phân phối; Sửa đổi và ban hành quy trình kinh doanh/quy trình nội bộ để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thanh toán các thành phần của chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp (chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối-bán lẻ điện, chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí chênh lệch thanh toán). Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng cơ sở dữ liệu về sản lượng điện năng giao nhận theo chu kỳ giao dịch của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế DPPA.
Ngoài ra, yêu cầu Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế DPPA phối hợp với các Tổng công ty điện lực xây dựng cơ sở dữ liệu và Trang thông tin điện tử phục vụ giao nhận điện năng từng chu kỳ giao dịch của các đơn vị tham gia cơ chế DPPA; Xây dựng quy trình và hướng dẫn các đơn vị tham gia cơ chế DPPA thực hiện xác nhận, đối soát số liệu và tính toán thanh toán đối với sản lượng điện năng giao nhận trên thị trường điện giao ngay.
Hiện nay, EVN và các đơn vị đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP và các nội dung nêu trên.
Đối với việc tính toán các chi phí mà khách hàng phải thanh toán khi tham gia cơ chế DPPA, đến thời điểm hiện tại, Cục ĐTĐL mới nhận được đề xuất tính toán ban đầu của EVN cho các chi phí liên quan khi tham gia cơ chế DPPA. Trong thời gian tới Cục ĐTĐL sẽ kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ Công Thương để có ý kiến trước khi EVN công bố chính thức.
Ngoài ra, Cục ĐTĐL cũng đã chủ động tổ chức các chương trình đào tạo về Nghị định số 80/2024/NĐ-CP và các nội dung liên quan cho các đối tượng, đơn vị quan tâm; đồng thời đang hoàn thành sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết để các nguồn điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện và cơ chế DPPA tại Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 45/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Cục ĐTĐL chưa nhận được các phản ánh về vướng mắc từ các doanh nghiệp hoặc đơn vị liên quan muốn tham gia cơ chế, ngoài các câu hỏi, thắc mắc để làm rõ hơn nguyên tắc, mô hình tham gia cơ chế DPPA. Theo những thông tin có được, thì các khách hàng và các đơn vị đầu tư NLTT cũng đang tiếp cận nhau, để đánh giá cơ hội, cũng như phân tích hiệu quả, lợi ích và chi phí tham gia cơ chế DPPA trước khi đưa ra quyết định đồng hành cùng tham gia cơ chế DPPA chính thức.
Một trong những vướng mắc hiện tại của cơ chế này là mức giá mua - bán, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Khi tham gia cơ chế DPPA, dù ở mô hình nào thì sản lượng mua bán điện và mức giá mua bán điện giữa Đơn vị phát điện NLTT và Khách hàng lớn đều do hai bên tự thỏa thuận. Thực tế việc này cũng không hề dễ dàng đối với cả hai bên khi phải tính toán, cân nhắc kỹ tính hiệu quả và đánh giá cả các rủi ro khi thay đổi từ mua bán điện truyền thống qua EVN sang mua bán điện trực tiếp chủ động với nhau.
Khi triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ tạo áp lực lớn hơn lên lưới điện, khi phải cân bằng với lượng điện tái tạo ngày càng tăng. Vậy làm thế nào để giải bài toán này thưa ông?
Đúng là khi triển khai cơ chế DPPA thì sẽ có những thay đổi trong cấu trúc và dòng công suất truyền tải trên lưới điện, đặc biệt nếu triển khai nhiều cơ chế DPPA theo mô hình Đường dây kết nối riêng. Tuy nhiên nếu nói là cơ chế DPPA tạo áp lực lớn hơn lên lưới điện là không hoàn toàn chính xác vì cơ chế DPPA bản chất chỉ là một cơ chế tài chính, cơ chế thanh toán việc mua bán điện của các đơn vị. Ngoài ra khi triển khai cơ chế DPPA theo mô hình Đường dây kết nối riêng sẽ phát triển mô hình hệ thống điện phân tán nhiều hơn, điều này sẽ góp phần giảm áp lực truyền tải công suất, điện năng cho lưới điện quốc gia, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm.
Ngoài ra, Nghị định 80/2024/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của các đơn vị tham gia cơ chế DPPA trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định về quy hoạch, đấu nối, vận hành, điều độ trong hệ thống điện; Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong việc đảm bảo tổng công suất năng lượng tái tạo không được vượt quá tổng công suất năng lượng tái tạo theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt; đảm bảo vận hành hệ thống điện tuân thủ theo Quy định hệ thống điện truyền tải, Quy định quy trình Điều độ hệ thống điện quốc gia, Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành và các quy định pháp luật có liên quan khác.
Theo đó, các vấn đề về cân bằng, ổn định hệ thống khi có tỷ trọng NLTT lớn sẽ được kiểm soát và thực hiện tốt hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực khi phát triển nhiều NLTT.
Theo Báo Tin Tức TTXVN 

Cùng chuyên mục

Vì sao chương trình cải cách thị trường điện ở Trung Quốc gặp khó?

13/12/2024

Cuộc cải cách thị trường điện ở Trung Quốc, được triển khai bằng việc áp dụng thị trường điện giao ngay và trao đổi giữa các tỉnh, gặp phải những trở ngại liên quan đến sự chênh lệch giữa các khu vực. Những trở ngại này cản trở việc chuyển điện tái tạo từ các vùng sâu vùng xa đến các khu đô thị đang phát triển nhanh.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302